Lần gần đây nhất mà Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào viếng thăm chính thức Hoa Kỳ là vào tháng Tư năm 2006 khi Tổng Thống George W. Bush còn tại chức.
Kể từ đó đã có nhiều thay đổi.
Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn hàng thứ nhì trên thế giới và đã sống sót qua cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu mà phần lớn không bị thiệt hại.
Ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc đang gia tăng, Trung Quốc có một lực lượng quân sự ngày càng phát triển và họ đang xác quyết vị thế của họ hơn trên chính trường thế giới.
Năm ngoái được đánh dấu bằng những quan hệ căng thẳng khi Washington và Bắc Kinh đụng độ với nhau trong tất cả mọi lãnh vực, từ trị giá của đồng tiền Trung Quốc tới các tranh chấp thương mại, nhân quyền và Bắc Triều Tiên.
Nhiều vấn đề vẫn còn chưa giải quyết được và các nhà phân tích nói rằng hy vọng đạt được những khai thông quan trọng trong chuyến viếng thăm Washington của ông Hồ Cẩm Đào là thiếu thực tế.
Chuyên gia về khoa Chính Trị Christopher Hughes thuộc Trường Kinh Tế và Chính Trị London phát biểu:
"Trong một cách nào đó, thành công sẽ là tạo được bầu không khí. Và gởi được một thông điệp tới nhân dân của cả hai nước là quan hệ giữa hai nước không phải là đối địch với nhau. Rằng vẫn còn chỗ cho việc hợp tác với nhau và rằng cả hai phía đều thấy là phải có phương cách để tiến tới.
Đặc biệt là xúc cảm của nhân dân Trung Quốc tại quốc nội vào lúc này, vốn rất phức tạp, rất nhiều tự ái quốc gia, và một số thành phần nào đó còn thiên mạnh vào chủ nghĩa quân phiệt; điều này cần phải tìm cách làm dịu bớt. Và về phía Hoa Kỳ thì cũng phải tìm cách làm dịu bớt ý niệm cho rằng Trung Quốc là một mối đe dọa đang gia tăng."
Đó chính xác là thông điệp mà các giới chức Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gởi đi trước khi bắt đầu chuyến viếng thăm này.
Trong một cuộc phỏng vấn trên văn bản dành cho các nhật báo the Washington Post và the Wall Street Journal, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh rằng cả hai phía sẽ được lợi từ một quan hệ tốt đẹp và sẽ bị thua thiệt từ tình trạng đối đầu.
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói rằng Hoa Kỳ không coi sự trỗi dậy của Trung Quốc như một mối đe dọa và không muốn kìm hãm sự tăng trưởng của Bắc Kinh. Bà nói:
"Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tới một thời điểm hệ trọng - vào một lúc mà những chọn lựa của chúng ta, dù lớn hay nhỏ, cũng sẽ định hướng cho mối quan hệ này."
Một lãnh vực mà Hoa Kỳ cảm thấy Trung Quốc cần làm nhiều hơn để giúp cải thiện chiều hướng trong mối quan hệ là thương mại.
Mặc dầu xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc đang gia tăng, nhưng các số liệu thương mại cho thấy mức thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ với Trung Quốc trong năm vừa qua sắp sửa vượt quá con số kỷ lục 286 tỷ đô la của năm 2008. Các giới chức Hoa Kỳ đã lập lại nhiều lần về việc gia tăng nhu cầu nội địa tại Trung Quốc và tạo ra một môi trường thương mại công bằng hơn.
Chuyến thăm Hoa Kỳ của chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ chú trọng nhiều tới quan hệ doanh thương và mậu dịch giữa 2 nước.
Ngoài việc tham gia một cuộc họp của các giám đốc chấp hành doanh nghiệp hôm thứ Tư với Tổng thống Obama, ông Hồ sẽ đọc một bài nói chuyện duy nhất về chính sách trong cuộc thăm viếng hôm thứ Năm dành cho một nhóm quan chức chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp.
Ông Thomas Donohue, Chủ tịch Phòng Thương Mại Mỹ, nói mặc dù vấn đề tiền tệ cũng sẽ được bàn thảo, nhưng đề tài chính sẽ là việc tiếp cận nhiều hơn với các thị trường Trung Quốc:
“Chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết tất cả những vấn đề đó một cách tích cực. Chúng tôi sẽ tạo áp lực để đảm bảo có được một cơ hội công bằng cho giới xuất khẩu Mỹ, để tạo công ăn việc làm. Và tôi trông đợi, tôi hết sức trông đợi, một chuyến thăm viếng thật cực của chủ tịch Hồ Cẩm Đào.”
Nhân quyền là một lãnh vực nữa, theo đó các giới chức Hoa Kỳ hy vọng có thể làm thay đổi chiều hướng của mối bang giao Trung- Mỹ. Tổng thống Barack Obama dự kiến sẽ nêu lên vấn đề này khi ông gặp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào tuần này.
Và có phần chắc vấn đề này sẽ được nêu lên hai nhà lãnh đạo mở cuộc họp báo chung vào thứ Tư.
Trung Quốc đã phản ứng rất mạnh về việc trao giải Nobel Hòa Bình cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba và tố cáo Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế là xen vào các vấn đề nội bộ của họ.
Trong cuộc họp thượng đỉnh, Tổng thống Obama và chủ tịch Hồ dự kiến sẽ loan báo việc bắt đầu lại cuộc đối thoại về nhân quyền giữa hai nước đã bị đình chỉ hồi năm ngoái.
Cuộc họp sẽ tạo cơ hội cho các giới chức Hoa Kỳ nêu lên những quan ngại với chính phủ Trung Quốc cụ thể là vấn đề các tù nhân chính trị, cùng nhiều vấn đề khác.
Ông Hồ Cẩm Đào sẽ tới Washington vào chiều thứ Ba và sẽ rời khỏi Washington vào ngày thứ Năm. Các cuộc gặp gỡ giữa ông với Tổng thống Obama, các giới chức chính phủ, và các giám đốc điều hành doanh nghiệp vào ngày thứ Tư sẽ kết thúc với một buổi dạ tiệc đãi quốc khách. Buổi dạ yến mới đây nhất mà tòa Bạch Ốc thết đãi giới chức Trung Quốc đã diễn ra cách đây 13 năm.
Ông Hồ Cẩm Đào cũng dự trù sẽ viếng thăm một công ty sản xuất phụ tùng xe hơi của Trung Quốc, một công ty năng lượng gió, và một trường dạy tiếng Hoa tại Chicago trước khi trở về Trung Quốc vào ngày thứ Sáu.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới thủ đô Washington vào Thứ Ba trong một chuyến viếng thăm chính thức mà một số nhà phân tích chính trị nói là quan trọng nhất từ 30 năm nay. Quan hệ giữa hai cường quốc thế giới này ngày càng nhiều thử thách và các giới chức hy vọng là có thể tìm được những mẫu số chung về các phương cách củng cố nền kinh tế thế giới cũng như nói lên những khác biệt về tất cả mọi vấn đề từ Bắc Triều Tiên, nhân quyền cho tới trị giá của đồng nguyên.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1