Nếu ông Triệu Liên Hải sống ở nơi khác, những việc ông làm được xem là bình thường. Nhưng tại Trung Quốc chính quyền khởi tố ông về tội xúi giục bất ổn công cộng và phạt tù ông hai năm rưỡi.
Tội của ông là tổ chức một nhóm tương trợ mà thành viên là phụ huynh có con em mắc bệnh hay chết vì uống phải sữa bột có chất độc. Có 6 em thiệt mạng và gần 300.000 em bệnh vì vụ tai tiếng này.
Các nhà hoạt động nhân quyền trên thế giới cho rằng vì Trung Quốc hiện nay có thế đứng quan trọng trên sân khấu quốc tế nên rất khó huy động dư luận để lên án Trung Quốc về mặt nhân quyền.
Bà Sophie Richardson, Trưởng ban châu Á của Human Rights Watch tại Washington, nói:
“Cách đây chục năm, không quá khó khăn để kêu gọi 24 đại biểu Quốc hội Hoa Kỳ ký bức thư yêu cầu Trung Quốc trả tự do cho một người nào đó. Bây giờ thì rất khó vì các đại biểu này e ngại không biết lá thư đó có làm đơn vị bầu cử mình mất đi một số hợp đồng thương mại với Trung Quốc hay không, hoặc có làm Trung Quốc bất hợp tác trong vấn đề Bắc Triều Tiên hay không.”
Bà Richardson thừa nhận về vài mặt nào đó, cuộc sống tại Trung Quốc bây giờ khá hơn cách đây 10, 20 hoặc 30 năm; thế nhưng người phương Tây vẫn còn có nhận thức sai lầm là một khi kinh tế Trung Quốc phát triển thì các quyền tự do cá nhân cũng được thoải mái hơn.
Ông Mặc Diên Hải, người chuyên bênh vực các bệnh nhân mắc HIV/AIDS, bây giờ đã bỏ trốn khỏi Trung Quốc, nói rằng phía các quan chức Trung Quốc cũng có nhận thức sai lầm:
“Mặc dù ông Lưu Hiểu Ba là một nhân vật bất đồng chính kiến, nhưng ông ấy tranh đấu một cách ôn hòa, chỉ đưa kiến nghị thay đổi dân chủ. Ông chẳng chống đối đảng cộng sản, thế mà vẫn bị phía chính quyền xem là tội phạm và phạt 11 năm tù.”
Thượng nghị sĩ Mỹ John Kerry nói rằng Hoa Kỳ cần cho Trung Quốc biết những hành động như vậy ảnh hưởng xấu đến vị trí của Trung Quốc trước quốc tế:
“Tuy nhiên, cho dù chúng ta ấn tượng hay thất vọng với tiến bộ của Trung Quốc, tôi cũng xin nói rõ một sự kiện hết sức đơn giản: Hoa Kỳ cần Trung Quốc và Trung Quốc cần Hoa Kỳ. Hai bên cần đưa mối quan hệ này vào một hướng đúng đắn.”
Các giới chức Mỹ tin tưởng Tổng thống Obama sẽ thảo luận về nhân quyền với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhưng các nhà hoạt động nói rằng họ không trông đợi ông Hồ sẽ đưa ra một thông tin nào đáng ngạc nhiên.
Trong cuộc gặp gỡ lần này tại Washington, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ bàn nhiều đề tài nhưng không ai biết chắc nhân quyền có được mang ra bàn hay không. Nhiều người nói rằng nhân quyền là đề tài gây chia rẽ sâu sắc cho hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1