Các giới chức Hoa Kỳ trong thời gian qua đã công khai cho biết họ không mấy tin tưởng là chế độ quân trị kéo dài nhiều thập niên ở Miến Điện sẽ có những sự thay đổi thật sự dưới chính phủ mới, một chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo hôm thứ Năm vào lúc kết thúc hội nghị cấp bộ trưởng Hoa Kỳ-Australia, cả Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lẫn Ngoại trưởng Australia Kevin Rudd đều cho rằng có cơ sở để lạc quan về triển vọng thay đổi tại quốc gia Đông Nam Á bị cô lập này.
Trong vài tuần qua chính phủ Miến Điện đã thực hiện một số hành động có tính chất hòa giải với phe đối lập, và hồi đầu tuần này họ đã để cho lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi đọc diễn văn tại trụ sở chính của Liên minh Dân chủ Toàn quốc ở Rangoon nhân Ngày Dân chủ Quốc tế.
Bà Clinton nói rằng tân đặc sứ Mỹ về Miến Điện, ông Derek Mitchell, vừa từ Miến Điện về Mỹ sau những cuộc thảo luận mà bà mô tả là “có kết quả” với chính phủ Miến Điện và bà Suu Kyi, người được trả tự do hồi cuối năm ngoái.
Vị nữ ngoại trưởng của Mỹ đã nêu lên “những cử chỉ đáng hoan nghênh” của Miến Điện mà bà cho là làm cho Hoa Kỳ cảm thấy nên tiếp tục đối thoại, mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng.
Ngoại trưởng Clinton nói: "Thật tình mà nói, chúng tôi có những mối quan tâm sâu sắc về rất nhiều vấn đề - từ cách đối xử của Miến Điện với các sắc dân thiểu số, và hơn 2.000 tù nhân chính trị còn bị giam cầm, cho tới mối quan hệ giữa Miến Điện với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, chúng tôi hoan nghênh việc chính phủ Miến Điện tiến hành cuộc đối thoại với bà Aung San Suu Kyi và đã bắt đầu nói tới việc cần phải thực hiện những biện pháp cải cách quan trọng."
Nhân vật tương nhiệm phía Australia của bà Clinton cũng có những phát biểu tương tự. Ông Kevin Rudd, người đã đi thăm Miến Điện hồi đầu tháng 7, nói rằng nếu Miến Điện muốn giao tiếp lại với cộng đồng quốc tế thì điều trước tiên và quan trọng nhất là họ phải nới lỏng những hạn chế chính trị và trả tự do cho tất cả “các tù nhân lương tâm.”
Ngoại trưởng Rudd nói: "Chúng tôi hoan nghênh những dấu hiệu hồi gần đây từ chế độ Miến Điện cho thấy họ muốn thực hiện một cuộc đối thoại như vậy. Nhưng giống như Hoa Kỳ, chúng tôi có thái độ dè dặt. Và chúng tôi muốn kêu gọi chính quyền Miến Điện thực hiện những bước cụ thể để chứng tỏ với thế giới là họ thật sự mong muốn đất nước của họ trở thành một nước dân chủ, và không dọa bỏ tù những người mà họ xem là một mối đe dọa cho họ."
Bà Clinton cho biết tuy có những hành động hòa hoãn như vậy nhưng hồi đầu tuần chính phủ Miến Điện lại tăng thêm 10 năm vào án tù 8 năm của một nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia 21 tuổi. Anh Sithu Zeya đã bị bắt giam sau khi chụp hình nơi xảy ra một vụ nổ bom ở Rangoon hồi năm ngoái.
Bà Clinton hối thúc chính phủ Miến Điện dùng hành động để thể hiện những tuyên bố và cam kết đối với cải cách, hòa giải dân tộc, và tôn trọng nhân quyền.
Hôm thứ tư, một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao cho biết các nhà ngoại giao Hoa Kỳ định tiếp nối cuộc thảo luận của đặc sứ Derek Mitchell qua việc tiến hành một cuộc họp với Ngoại trưởng Miến Điện Wunna Maung Lwin bên lề phiên họp thường niên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc tại New York vào tuần tới.
Hoa Kỳ và Australia cho biết có những dấu hiệu của hy vọng về một sự nới lỏng trong môi trường chính trị ở Miến Điện, nơi mà tân chính phủ đã hứa hẹn thực hiện những cải cách dân chủ. Theo tường thuật của thông tín viên David Gollust của đài chúng tôi gởi về từ Bộ Ngoại giao ở Washington, vấn đề Miến Điện nằm trong nghị trình thảo luận của hội nghị hôm thứ Năm tại San Francisco giữa các vị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Hoa Kỳ và Australia.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1