Đặc sứ Hoa Kỳ về Miến Điện, ông Derek Mitchell, đang có mặt ở quốc gia Đông Nam Á này để gặp gỡ các đại diện của chính phủ do phe quân nhân khống chế, các chính khách của phe đối lập và những nhân vật tranh đấu.
Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của ông Mitchell trong tư cách đặc sứ Mỹ và là cuộc gặp gỡ mới nhất giữa nhà chức trách Miến Điện với những người chỉ trích họ.
Tháng trước, Miến Điện cho phép ông Tomas Ojea Quintana, Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên hiệp quốc, đến thăm nước họ. Ông Qunitana là người đứng đầu những nỗ lực kêu gọi Liên hiệp quốc tiến hành một cuộc điều tra về những tội ác chống nhân loại ở Miến Điện và từng bị chính quyền Miến Điện nhiều lần từ chối không cho nhập cảnh.
Tổng thống Miến Điện Thein Sein cũng đã gặp lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi, người từng bị giam cầm trong phần lớn thời gian của 20 năm qua và chỉ được trả tự do hồi năm ngoái. Cả hai nhà lãnh đạo này đều mô tả cuộc thảo luận của họ là có tính chất thân thiện.
Ông Carl Thayer, giáo sư chính trị học của Đại học New South Wales ờ Australia, cho biết những dộng thái ngoại giao của chính phủ Thein Sein đã làm tăng mối hy vọng là ông ấy có thể trở thành một nhân vật cải cách có tính chất lịch sử như ông Frederik Willem de Klerk, vị tổng thống của Nam Phi thời apartheid.
Giáo sự Thayer nhận định: "Điều này rọi chiếu một ánh sáng mới lên Tổng thống Thei Sein. Nhiều người đang bàn cãi về việc phải chăng ông ấy là bù nhìn của ông Than Shwe, một nhân vật của quân đội đứng ở hậu trường, hay là ông ấy là một de Klerk đang đưa đất nước tiến vào một kỷ nguyên mới. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên vội vã cho rằng sự cởi mở đang diễn ra, nhưng chúng ta có thể nhận thấy những xu thế tích cực và tìm cách suy đoán nguyên do của những xu thế này."
Trong vài tuần qua, Tổng thống Thein Sein đã đề nghị hòa đàm với các nhóm nổi dậy, mời các chính khách lưu vong về nước và thiết lập ủy hội nhân quyền đầu tiên của chính phủ. Ngoài ra, các nhà báo lần đầu tiên cũng được mời đến xem những cuộc thảo luận tại quốc hội.
Các giới chức kiểm duyệt cũng cho phép báo chí loan tải một số bài tường thuật có tính chất tích cực về bà Aung San Suu Kyi và giảm bớt cường độ của những lời lẽ lên án các đài BBC, VOA và những cơ quan truyền thông Tây phương khác.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị và những nhân vật tranh đấu cho nhân quyền nêu lên sự kiện là các nhà lãnh đạo quân sự đã có những hành động tương tự trong quá khứ, nhưng sau đó lại thay đổi đường hướng khi thấy làm như vậy có lợi cho mình.
Ít nhất một ký giả bất đồng chính kiến đã chấp nhận đề nghị của ông Thein Sein để về nước và đã bị câu lưu và thẩm vấn ngay tại phi trường.
Ngoài ra, giới hữu trách cũng trừng phạt một nhà báo địa phương về việc cho đăng bài phỏng vấn đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi với một tờ báo trong nước.
Ông Benjamin Zawacki, một nhà nghiên cứu của Hội Ân xá Quốc tế, nói rằng mọi người nên giữ thái độ hoài nghi về những dấu hiệu cải cách ở Miến Điện:
"Chúng tôi đã chứng kiến những sự việc như vậy trong quá khứ. Có lẽ đó là một sự nhượng bộ về phía chính phủ mà cũng có thể là một cách để họ làm giảm bớt sự chỉ trích của quốc tế. Nhưng những việc đó không mang lại tiến bộ thật sự về nhân quyền. Và tôi nghĩ rằng những sự việc xảy ra trên thực tế là cách đo lường chính xác nhất về việc phải chăng những hành động này là thật hay chỉ có tính chất chiến thuật hay chỉ là giả vờ."
Ông Zawacki nêu lên rằng hơn 2.000 tù nhân chính trị vẫn còn bị giam cầm ở Miến Điện, bất chấp những áp lực của cộng đồng quốc tế.
Ông nói rằng giới hữu trách đang tìm cách đánh bóng hình ảnh của mình trên trường quốc tế với hy vọng các nước Tây phương sẽ dỡ bỏ những biện pháp chế tài kinh tế.
Miến Điện cũng muốn giữ chức chủ tịch ASEAN vào năm 2014, sau khi nhiều lần bị áp lực không được nắm giữ chức vụ luân phiên này để tránh gây bối rối cho ASEAN.
Quân đội Miến Điện đã nắm quyền cai trị trong nhiều thập niên và không ngớt chiến đấu chống lại các nhóm nổi dậy của những người thiểu số đòi tự trị. Kết quả là xã hội bị kiểm soát nghiêm nhặt và có thành tích nhân quyền thuộc hạng tệ hại nhất thế giới.
Ông Bertil Lintner, một tác giả về chính trị Miến Điện đang sống ở Thái Lan, nói rằng quân đội vẫn còn nắm quyền kiểm soát một cách chặt chẽ. Ông cho biết chỉ có sự bất tuân trong nội bộ của quân đội mới có thể mang lại những thay đổi thực sự về chính trị.
Ông Lintner nêu lên sự kiện là những sự bất đồng bên trong hàng ngũ quân đội đã đóng vai trò thiết yếu trong việc gây sụp đổ cho các chính quyền quân nhân trước đây ở Nam Triều Tiên, Philippines và Indonesia.
Ông nói: "Tôi không nhìn thấy cách nào khác để Miến Điện thay đổi. Chừng nào quân đội còn đoàn kết, và hiện giờ họ rất đoàn kết, thì cơ cấu quyền lực hiện nay ở Miến Điện vẫn không có được những thay đổi có tính chất cơ bản. Và dĩ nhiên là sẽ không có bước tiến nào hướng tới dân chủ thật sự."
Cuộc bầu cử năm 2010 đã đưa ông Thein Sein lên nắm quyền nhưng bị nhiều người chỉ trích là một sự dàn dựng để củng cố quyền cai trị của quân đội sau mặt nạ dân chủ.
Trước khi cuộc bầu cử được tổ chức, hiến pháp do quân đội soạn thảo đã dành riêng cho họ một phần tư số ghế ở quốc hội, và cuộc bầu cử bị hoen ố bởi những hành vi gian lận và hăm dọa cử tri.
Đảng đối lập chính là Liên minh Dân chủ Toàn quốc đã tẩy chay cuộc bầu cử vì những luật lệ bất công đã cấm không cho lãnh tụ của họ là bà Aung San Suu Kyi được ra tranh cử.
Liên minh Dân chủ Toàn quốc đã giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử lần trước vào năm 1990 nhưng quân đội không chịu chuyển giao quyền hành.
Trong những tuần qua giới hữu trách Miến Điện, những người thường có thái độ bất chấp dư luận quốc tế, đã thực hiện những cuộc thảo luận cởi mở với những người chỉ trích ở trong nước và nước ngoài. Họ cũng nới lỏng đôi chút sự kềm kẹp đối với giới truyền thông và làm cho các nhà quan sát suy đoán là nhà chức trách có thể thay đổi lập trường cứng rắn cố hữu của họ. Theo tường thuật của thông tín viên Daniel Schearf tại Bangkok, các nhà phân tích và những nhân vật tranh đấu nhân quyền hoan nghênh những diễn tiến vừa kể nhưng họ bác bỏ gợi ý cho rằng đó là những sự thay đổi thật sự.