Giới tranh đấu cho môi trường nói rằng kể từ khi ống dẫn khí đốt Shwe của Miến điện khởi sự hồi tháng Sáu vừa rồi, đã có các tin tức về những hành động vi phạm nhân quyền, và các vụ dời cư ảnh hưởng tới hàng ngàn người.
Ống dẫn dầu và khí đốt tổng cộng dài 3,900 km, đang nằm dưới sự giám sát của Tập đoàn Dầu hỏa Quốc gia Trung Quốc, cùng với các nhà đầu tư Nam Triều Tiên và Ấn độ. Khi khởi sự hoạt động vào trước năm 2013, theo dự trù, ống dẫn dầu này sẽ là tài sản mang lại về nhiều ngoại tệ nhất cho chính quyền Miến điện, với thu nhập thường niên ước lượng lên tới 1 tỉ đôla một năm trong hơn 3 thập niên tới.
Nhưng các nhà hoạt động than phiền rằng công trình này đã được thực hiện, mà không kể tới quyền lợi của các cộng đồng địa phương. Người phát ngôn của Phòng Trào chống ống dẫn khí đốt Shwe, Wong Aung, nói rằng tác động của công trình sẽ lan rộng khắp Miến điện.
Ônh Aung nói: “Các vụ dời cư và cưỡng bách tái định cư sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ít nhất 8000 người. Chúng tôi tin rằng dọc theo đường ống dẫn dầu và khí đốt này, sẽ có hơn 21,000 người khác nữa. Thế cho nên, chúng tôi tin rằng có hàng ngàn người khác sẽ bị buộc phải dời nơi cư trú, vì bị tác động trực tiếp bởi dự án này.”
Phong trào chống dự án ống dẫn dầu Schwe, gồm người tỵ nạn Miến điện sống lưu vong ở Thái Lan, Ấn độ và Bangladesh, nói rằng các cộng đồng địa phương có phần chắc sẽ không được hưởng bao nhiêu trong ngân quỹ dành cho phát triển, từ số lợi tức lên tới hàng tỉ đôla do dự án này mang lại.
Một người phát ngôn của Hội Phụ nữ Palaung, bà Lway Aye Nang, nói rằng nạn tham nhũng trong giới hữu trách Miến điện cũng tác động tới những chủ đất đai, đã bị buộc phải bán đất của họ.
Bà Lway nói: “Nhà chức trách địa phương sẽ là bên đi tìm đất tại nơi này. Cho nên công ty của Trung Quốc, một số có thể trả tiền bồi thường cho dân làng. Tuy nhiên số tiền đó không đến tay dân làng, mà chính quyền địa phương chiếm đoạt số tiền ấy. Vì thế những người dân làng sẽ mất đất đai, và mất luôn kế sinh nhai, buộc thêm nhiều người khác phải dời đi nơi khác.”
Được biết 12 mét khối khí đốt của Miến điện sẽ được vận chuyển sang tỉnh Vân nam của Trung Quốc dọc theo đường ống dẫn dầu dài 2,800 km này. Thêm một đoạn dài 1,100 km khác của đường ống này cũng sẽ vận chuyển 22 triệu tấn dầu từ các tàu dầu chở dầu thô từ Trung đông và Châu Phi đến đậu tại các bến cảng của Miến Ðiện.
Trung Quốc đã ký một thỏa thuận giao độc quyền cho Trung Quốc sử dụng ống dẫn dầu này hồi năm 2009.
Vào lúc đó, truyền thông Trung Quốc tường trình rằng chính quyền Miến điện sẽ bảo đảm an ninh cho ống dẫn dầu. Bà Lway Aye Nang nói Miến điện đã triển khai hơn 6000 binh sĩ để tăng cường an ninh và ngăn chận các cuộc biểu tình của các cộng đồng ở địa phương.
Ống dẫn dầu này được coi là quan trọng để đáp ứng các nhu cầu nhiên liệu ngày càng tăng của Trung Quốc, bằng cách nhập nhiều khí đốt thiên nhiên từ Miến điện hơn, và mở một lộ trình ngắn hơn để nhận dầu hỏa xuất phát từ Trung Đông và Châu Phi tới vùng Tây-Nam Trung Quốc.
Ông Ian Storey, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á ở Singapore, nói Trung Quốc, bằng cách tập trung vào các nhu cầu kinh tế của mình, đã làm ngơ các hành động vi phạm nhân quyền do quân đội Miến Ðiện thực hiện.
Ông Ian Storey nói: “Tôi đã được nghe những lời tố cáo các hành động vi phạm nhân quyền liên hệ tới đường ống dẫn dầu, và cả các dự án đầu tư khác của Trung Quốc tại Miến điện, đặc biệt là những đập nước mà các công ty Trung Quốc đang xây dựng. Chính quyền Miến điện rõ ràng không chú ý gì tới các quyền làm người của công dân của họ, và tôi nghĩ Trung Quốc sẵn sàng quay lưng, xem như không thấy những hành động vi phạm đó, vì lợi ích kinh tế của mình”
Chính phủ Trung Quốc chủ yếu theo đuổi một chính sách không can thiệp với các vấn đề nội bộ của các nước khác, Bắc Kinh lập luận rằng mỗi quốc gia phải được phép theo đuổi thời biểu của riêng mình trong các nỗ lực cải thiện nhân quyền.
Các biện pháp cấm vận của các nước Tây phương nhắm vào Miến Ðiện, vì những hành động vi phạm nhân quyền của chính quyền nước này, về phần lớn đã ngăn trở các công ty tây phương làm ăn ở Miến Ðiện. Nhưng các công ty của Trung Quốc, Thái Lan và các nước láng giềng vẫn tiếp tục hoạt động tại đây.
Một nhóm người Miến Điện lưu vong quan tâm tới môi trường khuyến cáo rằng việc xây dựng một đường ống dẫn dầu và khí đốt từ bang Arakan của Miến điện tới Trung Quốc có thể buộc dời cư tới 30,000 người, và trưng dụng ngân quỹ phát triển tối cần cho hàng chục cộng đồng địa phương. Như tường trình của Thông tín viên Ron Corben của Đài VOA từ Bangkok, dự án có kinh phí 1,5 tỉ đôla được Trung Quốc hậu thuẫn này, đang đối mặt với những chỉ trích về việc thiếu trách nhiệm đối với các cộng đồng nằm trên con đường của công trình xây ống dẫn dầu này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1