Ông Derek Mitchell, Đại diện đặc biệt và là Điều hợp viên Chính sách Miến Điện của chính phủ Mỹ, hôm thứ Tư cho biết Washington hoan nghênh điều mà ông gọi là “những cử chỉ” cải cách và hòa giải của chính phủ Miến Điện.
Những cử chỉ mà ông nêu lên để làm thí dụ gồm có cuộc họp hồi tháng 8 giữa Tổng thống Thein Sein và lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi, việc thành lập Hội đồng Nhân quyền Quốc gia, sự chú trọng tới việc đối thoại với các nhóm sắc tộc thiểu số, và sự nới lỏng đôi chút của hoạt động kiểm duyệt truyền thông.
Đặc sứ Mitchell cho rằng Miến Điện đã làm gia tăng sự trông đợi và hy vọng về một sự thay đổi, nhưng Hoa Kỳ và các nước khác tiếp tục có thái độ nghi ngờ.
Trong cuộc họp báo vào lúc kết thúc chuyến viếng thăm đầu tiên tới Miến Điện, ông Mitchell nói rằng các giới chức Miến Điện nên làm thế nào để chứng tỏ sự hoài nghi đó là sai lầm.
Ông Mitchell nói thêm: "Để đạt mục đích đó, tôi đã nêu lên những mối quan tâm về việc khoảng 2,000 tù nhân chính trị còn bị giam cầm, tình trạng thù địch tiếp diễn ở các khu vực của người sắc tộc thiểu số cộng với các báo cáo về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, kể cả những vụ nhắm vào trẻ em và phụ nữ, và sự thiếu minh bạch trong mối quan hệ quân sự giữa chính phủ Miến Điện với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên."
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tức Bắc Triều Tiên, bị tố cáo là đã cung cấp cho Miến Điện những loại vũ khí và trang thiết bị hạt nhân bị cấm. Giới hữu trách Miến Điện phủ nhận tố cáo đó và bác bỏ những mối quan tâm về quan hệ giữa họ với Bắc Triều Tiên.
Đặc sứ Mitchell cho biết ông đã hối thúc Miến Điện tuân thủ các nghị quyết của Liên hiệp quốc liên quan tới vấn đề cấm phổ biến hạt nhân.
Ông cũng nói rằng chính phủ Miến Điện nên chứng tỏ cam kết đối với cải cách bằng cách trả tự do vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị và thiết lập một cơ chế khả tín và thỏa đáng để điều tra những vụ vi phạm nhân quyền tại các khu vực của người thiểu số.
Trong mấy mươi năm qua, chính quyền quân nhân Miến Điện đã giao tranh với các nhóm nổi dậy của những người sắc tộc thiểu số đòi tự trị.
Các tổ chức nhân quyền cho hay quân đội Miến Điện đã có những hành vi vi phạm nhân quyền, kể cả cưỡng bách lao động, giết người và hãm hiếp.
Đặc sứ Mitchell cũng kêu gọi Miến Điện tiến hành một cuộc đối thoại có ý nghĩa với các nhóm sắc tộc thiểu số và với lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi, người mà ông gọi là Daw Suu theo cách gọi tôn kính của người Miến Điện.
Ông Mitchell nói: "Trong chuyến viếng thăm này tôi thường xuyên được nhắc nhở về việc Daw Suu tiếp tục có một vị thế rất quan trọng đối với người dân ở Miến Điện, cả người Miến Điện lẫn người thiểu số, và bất kỳ một nỗ lực cải cách khả tín nào cũng đều cần có sự tham gia của bà.
Năm ngoái, Miến Điện đã tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong vòng 20 năm và đảng chính trị do quân đội hậu thuẫn đã được tuyên bố là đảng giành được thắng lợi."
Tháng 3 năm nay, một chính phủ trên danh nghĩa là chính phủ dân sự đã lên nắm quyền thay cho chính quyền quân nhân.
Nhưng cuộc tổng tuyển cử đó được nhiều người xem là một trò dàn dựng để củng cố quyền cai trị của quân đội dưới bình phong của một chính phủ dân chủ.
Liên minh Dân chủ Toàn quốc của bà Suu Kyi đã tẩy chay cuộc bầu cử vì bà không được phép tranh cử.
Liên minh Dân chủ Toàn quốc đã giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990, nhưng quân đội không chịu từ bỏ quyền hành.
Hoa Kỳ và các nước Tây phương khác đã áp dụng những biện pháp chế tài kinh tế đối với Miến Điện vì những vụ vi phạm của quân đội nước này.
Giới hữu trách Miến Điện muốn các biện pháp chế tài được hủy bỏ, và theo các nhà phân tích chính trị, đó là một trong những mục đích của những hành động cởi mở hồi gần đây của chính phủ Miến Điện.
Đặc sứ Mitchell cho đài VOA biết rằng ông đã thảo luận với chính phủ Miến Điện về những điều kiện để hủy bỏ các biện pháp chế tài. Ông cho biết thêm chi tiết mà chỉ nói rằng nếu Miến Điện có những hành động thật sự và cụ thể thì Hoa Kỳ sẽ đáp lại một cách thỏa đáng.
Đặc sứ Hoa Kỳ về Miến Điện Derek Mitchell hối thúc chính phủ Miến Điện hãy chứng tỏ cam kết cải cách và hòa giải bằng cách trả tự do cho các tù nhân chính trị và điều tra những vụ vi phạm nhân quyền ở những khu vực của người sắc tộc thiểu số. Từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok, thông tín viên Daniel Schearf gởi về bài tường thuật sau đây.