Từ việc giảng dạy tại một trường trung học ở Trung Quốc đến kinh nghiệm phục vụ trong một ủy ban quốc hội quan trọng tập trung vào mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, ứng cử viên cho vị trí phó tổng thống bên đảng Dân chủ Tim Walz có mối liên hệ kéo dài hàng thập niên với Trung Quốc, bắt đầu từ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Là một nhà giáo dục, ông Walz đã dạy lịch sử Mỹ, văn hóa Hoa Kỳ và tiếng Anh cho học sinh Trung Quốc tại Trường trung học phổ thông số 1 Phật Sơn ở tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, vào năm 1989, năm chứng kiến hàng trăm nghìn sinh viên Trung Quốc biểu tình phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền tại Quảng trường Thiên An Môn.
“Trung Quốc đang nổi lên, và đó là lý do tôi đến đó”, ông Walz nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2007 với The Hill, một trang web tin tức có trụ sở tại Washington.
Thời gian ở Trung Quốc đã tác động đến quan điểm của ông về cuộc sống của người dân Trung Quốc dưới thời Đảng Cộng sản cầm quyền.
“Nếu họ có sự lãnh đạo phù hợp, sẽ không có giới hạn nào cho những gì họ có thể đạt được”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Star Herald năm 1990, mô tả việc giảng dạy ở Trung Quốc là “một trong những điều tuyệt vời nhất” mà ông từng làm.
Sự quan tâm của ông đối với Trung Quốc không dừng lại ở đó. Khi trở về Hoa Kỳ, ông Walz và vợ đã thành lập một công ty có tên “Những cuộc phiêu lưu du lịch giáo dục” để điều phối các chuyến đi mùa hè đến Trung Quốc cho học sinh trung học Mỹ.
Năm năm sau các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn và cuộc đàn áp dữ dội của chính phủ Trung Quốc, ông Walz đã trở lại Trung Quốc cùng vợ để hưởng tuần trăng mật và họ đã mang theo hai đoàn du khách là học sinh trung học Mỹ. Ông Walz tiếp tục điều hành chương trình trao đổi mùa hè đến Trung Quốc cho học sinh Mỹ cùng vợ cho đến năm 2003.
Cổ súy nhân quyền ở Trung Quốc
Sau khi trở thành thành viên của Quốc hội vào năm 2007, ông Walz tiếp tục tập trung vào các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Trong thời gian ở Quốc hội, ông Walz đã phục vụ trong Ủy ban Hành pháp Quốc hội về Trung Quốc, tập trung hoàn toàn vào các vấn đề nhân quyền tại quốc gia này.
Ông Walz nhanh chóng khẳng định mình là người chỉ trích mạnh mẽ chính phủ Trung Quốc, thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các nhà hoạt động cấp cao từ Trung Quốc và Hong Kong, bao gồm nhà hoạt động nổi tiếng của Hong Kong Joshua Wong và nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA năm 2014, ông Walz kể lại ấn tượng của mình khi chứng kiến cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo tại Quảng trường Thiên An Môn. Ông nói: “Tôi nhớ mình đã thức dậy và thấy tin tức vào ngày 4 tháng 6 rằng điều không thể tưởng tượng được đã xảy ra”.
Trong khi hầu hết người Mỹ vào thời điểm đó quyết định rời khỏi Trung Quốc do lo ngại về an ninh sau các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, ông Walz nói ông cảm thấy “quan trọng hơn bao giờ hết khi đến” Trung Quốc vì ông muốn đảm bảo rằng “câu chuyện được kể” và cho người dân Trung Quốc biết rằng thế giới bên ngoài luôn ở bên họ.
Ngoài việc hợp tác với các nhà hoạt động từ Trung Quốc và Hong Kong, ông Walz còn đồng tài trợ cho một số nghị quyết về các vấn đề nhân quyền quan trọng ở Trung Quốc, bao gồm yêu cầu trả tự do cho người đoạt giải Nobel Trung Quốc Lưu Hiểu Ba và nhà hoạt động Trung Quốc Hoàng Kỳ, cũng như đồng bảo trợ Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong năm 2017.
Trong một bài phát biểu trước quốc hội năm 2016, ông Walz đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có “các cuộc đối thoại mang tính xây dựng” với Bắc Kinh để đảm bảo “bảo tồn văn hóa Tây Tạng truyền thống và hệ sinh thái mong manh của Tây Tạng”.
“Hoa Kỳ được thành lập dựa trên các ý tưởng về quyền tự do phổ quát, và tôi tin rằng chúng ta phải tiếp tục thúc giục chính phủ Trung Quốc cung cấp quyền tự do tôn giáo ít bị kiểm soát hơn cho người Tây Tạng”, ông nói vào thời điểm đó.
Thúc đẩy chính sách ngoại giao
Ngoài việc chỉ trích mạnh mẽ hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, ông Walz cũng bày tỏ lo ngại về nỗ lực mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông vào năm 2016, viện lý do vào nỗ lực xây dựng các đảo nhân tạo của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp để phản đối nỗ lực cắt giảm chi tiêu quân sự của Washington.
Bất chấp lập trường cứng rắn về hồ sơ nhân quyền và vị thế quân sự của Trung Quốc, ông Walz vẫn tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác với Trung Quốc. “Tôi không thuộc nhóm cho rằng Trung Quốc nhất thiết cần có mối quan hệ đối đầu”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn.
“Tôi nghĩ chúng ta cần kiên quyết về những gì họ đang làm ở Biển Đông, nhưng có nhiều lĩnh vực hợp tác mà chúng ta có thể cùng nhau thực hiện”, ông Walz nói thêm.
Một số nhà phân tích cho rằng mối quan hệ sâu sắc của ông Walz với Trung Quốc và thành tích trong quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ-Trung Quốc có khả năng giúp liên danh tổng thống bên đảng Dân chủ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn về chính sách đối ngoại, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng [sự nổi lên của ông Walz với tư cách là ứng cử viên phó tổng thống của đảng Dân chủ] sẽ khiến nhiều người quan tâm nhiều đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở khu vực này cảm thấy thoải mái, khi biết rằng có một người trong danh sách ứng cử viên có hiểu biết, đã dành thời gian ở khu vực này và không bắt đầu từ vạch xuất phát khi tìm hiểu về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ ở Đông Á”, ông Lev Nachman, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan cho biết.
Ông nói vì ông Walz đã bày tỏ nhiều quan điểm nhân văn về người Trung Quốc, người Tây Tạng và người Hong Kong, nên vị thống đốc Minnesota này có thể thêm sắc thái hơn vào cuộc tranh luận về chính sách liên quan đến Trung Quốc tại Hoa Kỳ.
Ông Nachman trả lời VOA qua điện thoại rằng: “Ông ấy có thể diễn đạt được nhu cầu phải đẩy lùi chủ nghĩa độc tài và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở nhiều nơi trên thế giới theo cách không bôi nhọ công dân Trung Quốc hoặc không thiên về chiến thuật đe dọa công khai mà tôi nghĩ rằng nhiều cuộc thảo luận giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã biến thành như vậy ở Hoa Kỳ”.
Diễn đàn