Đường dẫn truy cập

Tự do Báo chí 2014 bị sút giảm, nhiều ký giả bị bắt, bị giết


Ảnh của phóng viên James Foley bị Nhà nước Hồi giáo sát hại trong buổi lễ tưởng niệm tại Irbil, 350km (220 dặm) phía bắc Baghdad, Iraq, ngày 24/8/2014.
Ảnh của phóng viên James Foley bị Nhà nước Hồi giáo sát hại trong buổi lễ tưởng niệm tại Irbil, 350km (220 dặm) phía bắc Baghdad, Iraq, ngày 24/8/2014.

Số liệu từ phúc trình về Tự do Báo chí trên thế giới năm 2014

Số liệu từ phúc trình về Tự do Báo chí trên thế giới năm 2014 của tổ chức Phóng viên Không biên giới:

Các quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng:

1. Phần Lan
2. Na Uy
3. Đan Mạch
4. Hà Lan
5. Thụy Điển

Các nước đứng cuối bảng xếp hạng:

174 Việt Nam
175 Trung Quốc
176 Somalia
177 Syria
178 Turkmenistan
179 Bắc Triều Tiên
180 Eritrea

Tự do Báo chí trên thế giới năm 2014 bị giảm sút. Một phúc trình mới của tổ chức Phóng viên Không biên giới cho thấy tình hình tại 2/3 các nước được khảo sát đã tệ đi. Xung đột võ trang và các thành phần phi chính phủ như nhóm Nhà nước Hồi giáo là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Thông tín viên đài VOA Victoria Macchi tường thuật.

Giới hành nghề truyền thông tại các châu lục trên thế giới năm qua phải đương đầu với các mối đe dọa ngày càng tăng, với các ký giả bị hành hình ở Iraq, bị bắt ở Mỹ, và bị nhắm mục tiêu bởi các chính phủ tìm cách kiểm duyệt thông tin.

Giám đốc chi nhánh Hoa Kỳ của tổ chức Phóng viên Không biên giới, bà Delphine Halgand, nói với đài VOA rằng các số liệu tiêu cực này được đúc kết sau một năm đẫm máu:

“Năm 2014 được đánh dấu với mức độ cực kỳ bạo lực với 66 nhà báo bị thiệt mạng, bùng phát các vụ ký giả bị bắt cóc ở Syria, Iraq, Libya, và Ukraine. Tính tới cuối năm rồi, có ít nhất 40 nhà báo đang bị bắt cóc.”

Nạn bạo lực chống lại tự do báo chí gia tăng 8% kể từ năm 2013, tác động đến đa số 180 nước được khảo sát.

Năm qua là năm thứ 5 liên tiếp Phần Lan dẫn đầu bảng xếp hạng về tự do báo chí, khiến Châu Âu và các nước vùng Balkan nắm giữ các thứ hạng tốt nhất dù điểm số về tự do báo chí trong khu vực có giảm. Trung Đông và Bắc Phi nằm chót bảng.

Xung đột tiếp diễn ở Syria, Iraq, và Ukraine gây thiệt hại nặng nề. Các nhóm phiến loạn như Nhà nước Hồi giáo và Boko Haram trấn áp khốc liệt, lấy tôn giáo để biện minh cho các hành động bạo lực chống lại báo giới.

Tự do báo chí của Mỹ năm qua bị rớt điểm, sụt 3 hạng xuống vị trí thứ 49. Bà Halgand nói nguyên nhân một phần là việc bắt giữ các ký giả tường thuật vụ giết người ở tiểu bang Missouri khơi mào nhiều tuần lễ biểu tình.

Iran lại đứng áp chót bảng xếp hạng thêm một năm nữa. Iran liên tục bị xếp ở vị trí này kể từ phúc trình về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2002 tới nay. Hàng chục ký giả hiện đang bị giam cầm tại đây, trong đó có nhà báo Mỹ Jason Rezaian.

Trưởng văn phòng của tờ Washington Post tại Tehran bị giam từ tháng 7 tới nay dù chưa có cáo trạng buộc tội.

Xuất hiện bên cạnh bà Halgand tại Washington, ông Ali, anh của ký giả Rezaian, khẩn cầu nhà cầm quyền Iran phóng thích em trai mình:

“Rõ ràng đây là một sự lầm lẫn, hiểu lầm. Jason không làm gì sai, không có liên hệ gì với chính phủ Mỹ, không liên can tới bất kỳ hoạt động nào đang diễn ra. Jason phải được phóng thích.”

Hiện chưa rõ số phận của Rezaian, ký giả đang bị biệt giam, như thế nào.

Qua gần 6 tuần đầu của năm mới, bà Delphine Halgand tỏ ra bi quan về tình hình tự do báo chí 2015.

“Tôi hy vọng tình hình sẽ cải thiện trong năm nay, tuy nhiên, với vụ tấn công ở tòa soạn Charlie Hebdo đầu tháng giêng vừa qua, tôi có thể nói rằng năm nay khởi sự hết sức bi đát cho giới ký giả trên toàn thế giới.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG