Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo của Pháp, với tám nhân viên bị thiệt mạng trong vụ tấn công toà soạn ở Paris tuần trước, vừa phát hành số báo thách thức hôm thứ Tư, một lần nữa cho đăng một bức biếm hoạ Tiên tri Hồi giáo Muhammed, trong lúc dự kiến số báo bán cao gấp 100 lần so với số phát hành bình thường.
Người dân xếp hàng dài ở các quầy báo có bán tạp Charlie Hebdo. Khắp thành phố, báo đã bán sạch chỉ trong vài phút.
Ngay trước rạng đông, bên ngoài một trạm xe lửa nhộn nhịp ở Paris, nhiều người đã thất vọng vì không mua được báo Charlie Hebdo.
Các nhà in định ấn hành 5 triệu số, so với số phát hành thường lệ khoảng 60.000, nhưng chỉ giao có nửa triệu số mỗi ngày.
Một phụ nữ tên Francoise nói cần phải mua báo, ủng hộ người làm báo đó. Và bản thân bà cũng muốn biết nội dung báo ra sao.
Người lái tàu tên là Philippe nói: “Đó là một cử chỉ vĩ đại, nhưng chúng tôi trông đợi nhiều hơn. Điều quan trọng là Charlie tiếp tục xuất bản.”
Một nữ thư ký hành chính tên là Emilienne nói: “Để dành cho các cháu của tôi. Một ngày nào đó tôi có thể nói với chúng rằng, 'Các cháu thấy không, sự kiện này đã xảy ra lúc các cháu còn bé. Bà kể cho các cháu để nó không bao giờ xảy ra nữa.'”
Bên trong nhà ga, trong khi hành khách đổ ra từ những chuyến tàu buổi sáng, họ nhìn thấy các bảng hiệu nói rằng “Không còn số báo Charlie Hebdo nào nữa.” Quản lý hiệu sách Magalie đã để dành một số riêng cho mình.
Cô Magalie cho biết: “Chúng tôi mở cửa từ lúc 6 giờ sáng. Đã có người xếp hàng bên ngoài. Trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ, 125 số báo mà chúng tôi có đã bán hết sạch.”
Nhân viên của báo Charlie Hebdo đã thách thức bằng cách đưa một tranh biếm họa Tiên tri Muhammed lên trang đầu, với hàng chữ “Tất cả đã được tha thứ” và “Tôi là Charlie.” Bên trong đăng một số trong những tranh biếm họa mới nhất, mà tác giả là những đồng sự đã bị sát hại.
Những người tìm mua tạp chí hôm thứ Tư không nhất thiết đồng ý với quan điểm của Charlie Hebdo, nhưng việc mua số báo này là một hình thức phản đối chỉ mất có 3 Euro.
Ông Christian Delporte, giáo sư lịch sử Đại học Versailles nói: “Một tạp chí như Charlie Hebdo thuộc về một truyền thống cười đùa, giễu cợt và nhìn thấy sự thật qua các sự vật.”
Ông Delporte cũng là một chuyên gia về biếm hoạ chính trị.
Ông nói: “Mọi người cũng thừa nhận rằng các hoạ sĩ châm biếm này rất yêu mến tự do.”
Và những người sống sót sau vụ tấn công đã khẳng định rõ rằng họ sẽ tiếp tục thể loại trào phúng của mình, mà thông điệp bao trùm về tự do phát biểu là điều thân thiết với hàng triệu người Pháp.
Ông Delporte kết luận: “Cuối cùng, đó là vấn đề dung chấp. Nếu không muốn đọc Charlie Hebdo, thì đừng mua báo ấy.”
Nếu thứ Tư hôm nay là một dấu hiệu, thì hàng triệu người sẽ mua báo, ít nhất là trong khoảng một thời gian.