Các vụ tấn công khủng bố ở Pháp đã lại tập trung sự chú ý trở lại vào các cộng đồng di dân Hồi giáo ở nước này – nơi xuất thân của những người bị cáo buộc là kẻ giết người Hồi giáo. Các nhà lãnh đạo Pháp đã kêu gọi đoàn kết, và nêu ra sự kiện các phần tử quá khích tiêu biểu cho một nhóm thiểu số nhỏ bên trong khối dân Hồi giáo. Nhưng giới bảo thủ Pháp nói luồng di dân từ châu Phi và Trung Đông đổ vào đã cung cấp cho các phần tử cực đoan bạo động một căn cứ trên lãnh thổ Pháp. Một sự chia rẽ chính trị tương tự cũng hiện hữu về vấn đề di trú ở Hoa Kỳ, song tình hình rất khác.
Tuần trước, các sự cố bạo động ở Pháp đã khơi trở lại những quan ngại khắp châu Âu về những phần tử khủng bố ngay trong nước nổi lên từ các cộng đồng Hồi giáo, nơi di dân và con em di dân thường sống tách rời xã hội chung.
Các chính sách và thái độ xã hội ở Pháp đã hạn chế việc hoà nhập của người Hồi giáo, theo nhận định của giáo sư chuyên về các vấn đề Pháp của trường đại học Rice, bà Julie Fette.
“Hầu hết người Hồi giáo ở Pháp đều ôn hoà, là những công dân tuân thủ luật pháp đã tìm cách tạo dựng cuộc sống cho mình ở Pháp, đối mặt với nhiều sự kỳ thị và trở ngại.”
Bà Fette đã sống ở Pháp 5 năm và viết một cuốn sách về tình trạng kỳ thị trước đây ở đó. Bà nói trong khi nhiều người Hồi giáo đạt được thành quả hoà nhập tốt, những người khác vẫn còn phải phấn đấu.
“Vẫn còn một thứ hóc hiểm chính cho những người Hồi giáo nghèo, thuộc tầng lớp thấp, không được ưu đãi trong xã hội, có khuynh hướng bị đẩy ra những vùng ngoại ô, gần như là một loại khu xóm dành cho người thiểu số ở Pháp, và đã bị loại trừ ra khỏi những cơ hội cơ động trong xã hội.”
Nhưng theo bà, di dân Hồi giáo ở Hoa Kỳ có khuynh hướng thuộc thành phần có chuyên môn, học thức cao và tiêu biểu chưa đầy một phần trăm dân số - vì thế mà giáo dục không chiếm phần lớn trong cuộc tranh luận về di trú ở đây.
Ở Pháp, khó mà làm bất cứ điều gì nếu không có giấy tờ hợp lệ, trong khi ở Hoa Kỳ, di dân bất hợp pháp dễ dàng tìm được công ăn việc làm và ở nhiều tiểu bang còn xin được cả bằng lái xe.
Kết quả là, các cuộc tranh luận chính trị và thảo luận học thuật ở Hoa Kỳ tập trung vào việc bảo vệ biên giới và có liên hệ đến hơn 11 triệu di dân bất hợp pháp đang sinh sống ở nước này.
Song ông Marc Rosenblum thuộc Viện Chính sách Di trú nói, bất kể những khác biệt, các thách thức về di trú của châu Âu và Hoa Kỳ cũng có những điểm tương đồng.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới rất toàn cầu hoá và tất cả các nước tây phương đều có những khối dân di trú đông đảo, vì thế, về lâu về dài, thành quả hội nhập tốt đẹp phải là một phần của thế giới ấy.”
Ông Rosenblum nói Hoa Kỳ đã là một khuôn mẫu cho việc hội nhập di dân vào khối dân trên toàn quốc. Nhưng ông nói những chia rẽ về chính sách cần phải được san bằng để giải quyết hữu hiệu các khó khăn hiện hữu.
“Với 40 triêu di dân ở Hoa Kỳ và 11 triệu di dân bất hợp pháp, đây là một khối người khá lớn trong dân số chúng ta và một số lớn những người bị tác động hàng ngày vì những quyết định và các cuộc tranh luận về chính sách này.”
Ông nói những người quyết định chính sách của Hoa Kỳ cần phải tìm ra những giải pháp nhân đạo, có thể thực hiện được cho những vấn đề có liên quan đến di trú.