Nhà báo người Úc Peter Greste tuyên bố ông vẫn muốn làm phóng viên đưa tin quốc tế dù đã bị cầm tù 400 ngày ở Ai Cập vì bị cáo buộc đưa “tin sai”. Ông đã bị trục xuất khỏi Ai Cập đầu tuần này.
Phóng viên của hãng Al-Jazeera tươi cười khi nói chuyện tại một buổi họp báo hôm qua cùng với cha mẹ tại thành phố quê nhà Brisbane.
Nhà báo Greste tuyên bố ông không muốn bỏ nghề làm báo, vì đó là công việc của ông.
Ông Greste cũng nói tới cảm giác khó khăn khi phải bỏ lại các đồng nghiệp cùng bị giam giữ với ông là nhà báo Ai Cập gốc Canada Mohamed Fahmy và công dân Ai Cập Baher Mohamad.
Ông Greste nói rằng thật khó khăn khi phải làm vậy. Ông cho biết ông và các đồng nghiệp đã trao đổi với nhau về khả năng một trong ba người có thể được phóng thích và những người khác phải ở lại. Ông nói điều đó thật khó khăn.
Các nhà báo của Al-Jazeera bị bắt giữ hồi tháng 12 năm 2013 vì các cáo trạng cho rằng họ đã hỗ trợ phong trào Huynh đệ Hồi giáo bị cấm hoạt động ở Ai Cập cũng như đưa tin sai, dù các công tố viên đưa ra ít bằng chứng để chứng minh cho các cáo buộc của họ.
Ông Greste nói thời gian ở trong tù rất khắc nghiệt, cả về thể chất lẫn tinh thần. Nhưng ông nói rằng sức khỏe của ông “vẫn còn khá tốt”, và rằng ông và các đồng nghiệp không bị hành hạ ở trong trại giam.
Nhà báo mới được trả tự do cho biết ông không cảm thấy “hận thù” Ai Cập. Ông nói rằng nước này “đang trải qua một giai đoạn rất là khó khăn, cả về chính trị, kinh tế và xã hội”.
Các tổ chức nhân quyền và nhiều chính phủ lên án các vụ bắt giữ và kết án nhà báo.
Hãng Al-Jazeera nhấn mạnh rằng các nhân viên của họ chỉ làm bổn phận đưa tin, và rằng sau khi ông Greste được phóng thích, thì cả ba người phải được tha bổng.
Hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Canada nói rằng việc ông Fahmy được phóng thích là điều “sắp xảy ra”.
Các giới chức Ai Cập cũng nói bóng gió rằng ông Fahmy có thể sớm bị trục xuất. Gia đình ông nói rằng điều đó chỉ xảy ra với điều kiện ông từ bỏ quốc tịch Ai Cập.
Hiện còn chưa rõ về trường hợp của ông Mohamed vì ông không có quốc tịch thứ hai.