Đường dẫn truy cập

Ấn Độ du ký: Sarnath, Lumbini và Kushinagar


Tượng Phật Nhập Diệt trong chùa Niết Bàn (Mahaparinirvana Temple). (Hình: Tước Nguyễn)
Tượng Phật Nhập Diệt trong chùa Niết Bàn (Mahaparinirvana Temple). (Hình: Tước Nguyễn)

Tước Nguyễn


Tương truyền, sau khi giác ngộ, Đức Phật đi bộ hơn 250 km từ Bồ Đề Đạo Tràng đến Sarnath (Lộc Uyển) để thăm và chia xẻ với các bạn đồng tu (thời Ngài còn tu khổ hạnh), là 5 anh em ông Kiều Trần Như. Ngài trình bày về ý tưởng mới khám phá mà đời sau gọi là kinh Chuyển Pháp Luân (Dhamma Chakka Pavattana Sutta).

Sarnath (Lộc Uyển): Nơi nỗi ‘KHỔ’ được soi sáng

Phần quan trọng trong kinh này là Đức Phật xoáy sâu vào vấn đề KHỔ qua bài giảng TỨ DIỆU ĐẾ (The 4 Noble Truths) và BÁT CHÁNH ĐẠO (The Eightfold Path).

Hình: Tước Nguyễn
Hình: Tước Nguyễn

Theo Wikipedia, “thực chất Tứ Diệu Đế là một phương pháp đủ cả hai "lý thuyết và thực hành", đưa hành giả tới giác ngộ giải thoát. Tứ Diệu Đế đòi hỏi có sự tu tập thực hành trong cuộc sống hàng ngày, nếu chỉ lý thuyết chỉ là giả thuyết. Hiện nay giáo lý Tứ Diệu Đế là cốt lõi quan trọng nhất đã được tất cả các Tông phái công nhận như là điểm chung đồng và thuần túy nhất của Đạo Phật. Thông suốt được những điểm giáo lý này có thể được xem như đã thâm nhập toàn bộ con đường giác ngộ giải thoát của Ðức Phật.”

Hình: Tước Nguyễn
Hình: Tước Nguyễn

Còn Bát Chánh Đạo, vẫn theo Wikipedia, là “con đường tám nhánh để giải thoát khỏi Khổ (sa. duḥkha). Bát Thánh đạo là giáo lý căn bản của Ðạo đế (trong Tứ đế) gồm ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Ðây là con đường độc nhất đi vào giải thoát hết thảy các lậu hoặc, đạt được quả vị Alahán.”

Hình: Tước Nguyễn
Hình: Tước Nguyễn

Ngày nay, tại khuôn viên Sarnath còn ngọn tháp Dhamek, đánh dấu nơi gặp gỡ này. Bà con nào thích nghiên cứu thì nên đọc bản tiếng Anh (tương đối dể hiểu hơn bản tiếng Việt).

Hình: Tước Nguyễn
Hình: Tước Nguyễn

Tương truyền, khi ở Sarnath, Đức Phật có quá bộ đến đại học Nalanda (được xem là trường đại học cổ xưa nhất thế giới được hình thành hơn 1,500 năm trước). Đây là nơi xuất thân của các vị Tổ Phật giáo (có cả sư Pháp Hiển và sư Huyền Trang -Đường Tam Tạng…) Sau khi bị hủy diệt bởi quân Hồi giáo (từ Thổ Nhĩ Kỳ), Nalanda ngày nay chỉ là một phế tích mà nổi bật nhất là ngôi tháp Xá Lợi Phất.

Hình: Tước Nguyễn
Hình: Tước Nguyễn

Nhìn bằng “mắt” hay bằng “tâm”? Khi thăm thánh tích Phật Giáo, nếu bạn nhìn bằng “mắt” thì chán phèo vì chung chung chỉ toàn gạch đá chứ không đẹp như… Disneyland. Nhưng nếu nhìn bằng “tâm” và cộng thêm chút kiến thức về sử Phật Giáo thì mọi chuyện trở nên khác hẳn và hấp dẫn hơn.

Hình: Tước Nguyễn
Hình: Tước Nguyễn

Khi nhỏ đọc truyện chưởng Kim Dung, tôi thường gặp từ “Ác tăng,” “Bần tăng,” “Phàm tăng,” “Cao tăng,” “Ma tăng,” “Thánh tăng”... nhưng không thấy “Giả tăng” – Bà con hỏi tại các thánh tích Phật Giáo bên Ấn có “Giả tăng”? Thưa có, nhưng họ vô hại. “Giả tăng” thường đứng hay ngồi riêng chứ không nhập vào “Chính tăng”. Phật giáo đề cao “Trí tuệ và Từ bi”, nhưng khi đi hành hương tôi thích dùng Từ bi hơn Trí tuệ. Thật ra nếu cúng dường nhầm “Giả tăng” thì cũng… OK vì ngay lúc đó chúng ta cũng cảm thấy sự an lạc khi cho rồi.

Hình: Tước Nguyễn
Hình: Tước Nguyễn

Lumbini - Kushinagar: Nơi Khởi Đầu – Nơi Kết Thúc

Đức Phật sinh tại Lumbini (Lâm Tỳ Ni) xứ Nepal hiện nay, và mất tại Kushinagar (Câu Thi Na) xứ Ấn Độ. Chuyện này ai cũng biết và chấp nhận. Nhưng nơi Đức Phật lớn lên là thành phố Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ) lại là chuyện khác. Nepal và Ấn dành nhau địa danh này thuộc phần đất của mình. Thật ra họ đâu có thương quý Phật giáo (ông Nepal và ông Ấn đều theo Ấn giáo). Họ dành nhau vì quyền lợi kinh tế do du lịch hành hương đem lại mà thôi.

Đền Hoàng Hậu Maya (trước đó gọi là đền Rummindei) và Hồ Pushkarini. (Hình: Tước Nguyễn)
Đền Hoàng Hậu Maya (trước đó gọi là đền Rummindei) và Hồ Pushkarini. (Hình: Tước Nguyễn)

Theo Wikipedia, “vào thời Đức Phật tại thế, Lâm Tỳ Ni là một khu vườn xinh đẹp và đầy màu xanh nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal. Hoàng hậu Mada đã hạ sinh ra đức Phật tại đây khi đang trên đường trở về nhà cha mẹ để sinh con đầu lòng theo tục lệ truyền thống của Ấn Độ lúc bấy giờ. Các tấm phù điêu tại đây mô tả cảnh Hoàng hậu Mada với tay phải cầm một nhánh của cây Vô Ưu, đứa trẻ sinh ra đã đứng thẳng trên những cánh hoa sen,với sự xuất hiện của các chư thiên của nhà trời đến tán thán và rải hoa cúng dường.”

Đền Hoàng Hậu Maya, di tích xác nhận nơi Đức Phật được sinh ra. (Hình: Tước Nguyễn)
Đền Hoàng Hậu Maya, di tích xác nhận nơi Đức Phật được sinh ra. (Hình: Tước Nguyễn)

Thường thì bà con Việt Nam theo quý Thầy đi hành hương, riêng tôi thì có ông tour guide Ấn Độ, tên Singh, theo hộ mệnh. Ông này theo Ấn giáo nhưng rất uyên thâm về Phật giáo. Bà con chắc còn nhớ chuyện Đức Phật được sinh ra từ hông phải của mẹ Ngài (hoàng hậu Maya) và 7 ngày sau Ngài mồ côi Mẹ. Ông Singh liên tưởng đến ca sinh khó phải mổ (giống như C section ngày nay). Ý kiến riêng của ông nhưng rất thú vị.

Tháp Ramabhar, đánh dấu nơi Đức Phật được hỏa táng. (Hình: Tước Nguyễn)
Tháp Ramabhar, đánh dấu nơi Đức Phật được hỏa táng. (Hình: Tước Nguyễn)

Quận Kushinagar (Câu Thi Na) nơi Đức Phật nhập diệt rất yên tịnh, buồn buồn. Nơi đây có tháp Ramabhar đánh dấu nơi Đức Phật được hỏa táng, cách đó 1 km là chùa Niết Bàn (Mahaparinirvana Temple): Đây là nơi “lấy nước mắt” của phật tử Việt Nam nhiều nhất khi chiêm bái bức tượng Phật trong chùa. Theo sử Phật Giáo, sau khi được hỏa táng, xá lợi Phật được chia cho 8 xứ chung quanh. Hiện nay chỉ có một mảnh xá lợi Phật được lưu giữ tại viện bảo tàng New Delhi được khả dĩ xem là "THẬT" (bao nhiêu % thì chưa biết).

Chùa Niết Bàn (Mahaparinirvana Temple). (Hình: Tước Nguyễn)
Chùa Niết Bàn (Mahaparinirvana Temple). (Hình: Tước Nguyễn)

XS
SM
MD
LG