Trung Quốc cho phép các đại diện của Đức, Thụy Điển, Phần Lan và Đan Mạch lên tàu hàng Yi Peng 3, con tàu tâm điểm của cuộc điều tra liên quan đến sự cố đứt cáp ở biển Baltic, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch cho biết hôm 19/12.
Thụy Điển muốn thẩm vấn tàu Yi Peng 3 liên quan đến vụ đứt hai cáp quang dưới biển vào tháng 11. Con tàu này đã neo đậu ở vùng biển gần đó trong suốt một tháng qua, trong khi các nhà ngoại giao tại Stockholm và Bắc Kinh thảo luận về vấn đề này.
Các nhà điều tra nhanh chóng tập trung vào con tàu này, vốn rời cảng Ust-Luga của Nga vào ngày 15/11, và phân tích của Reuters dựa trên dữ liệu từ MarineTraffic cho thấy tọa độ của tàu Yi Peng 3 trùng khớp với thời gian và địa điểm xảy ra sự cố đứt cáp.
Các cáp ngầm ở biển Baltic, một tuyến nối Phần Lan với Đức và một tuyến khác nối Thụy Điển với Litva, bị hư hại hôm 17 và 18/11. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng nguyên nhân là do hành vi phá hoại.
Ngoại trưởng Đan Mạch, Lars Lokke Rasmussen, hôm 19/12 cho biết nước ông đã tạo điều kiện cho một cuộc họp hồi đầu tuần giữa đại diện của Đức, Thụy Điển, Phần Lan và Trung Quốc, giúp phá vỡ thế bế tắc kéo dài tháng nay.
“Chúng tôi kỳ vọng rằng sau khi nhóm đại diện từ bốn quốc gia hoàn tất việc kiểm tra, con tàu sẽ có thể tiếp tục hành trình đến đích của nó,” ông Lokke Rasmussen nói.
Dữ liệu từ LSEG cho thấy tàu Yi Peng 3 vẫn còn neo đậu tại cùng một vị trí ở eo biển Kattegat, giữa Đan Mạch và Thụy Điển.
Cảnh sát Thụy Điển cho biết họ cùng tham gia lên tàu kiểm tra với tư cách quan sát viên, trong khi giới hữu trách Trung Quốc tiến hành cuộc điều tra.
“Song song đó, cuộc điều tra sơ bộ về hành vi phá hoại liên quan đến hai sự cố đứt cáp ở biển Baltic vẫn đang tiếp tục,” cảnh sát cho biết.
Cảnh sát cũng cho hay các hoạt động diễn ra trên tàu hôm 19/12 không nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra sơ bộ do Thụy Điển dẫn đầu.
Sự cố đứt cáp xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển, và các công tố viên Thụy Điển đang dẫn đầu cuộc điều tra với nghi vấn về hành vi phá hoại có chủ ý.
Các quan chức tình báo phương Tây từ nhiều quốc gia cho biết họ tin rằng con tàu Trung Quốc đã gây ra sự cố đứt cáp ở cả hai tuyến vừa kể. Tuy nhiên, họ có những quan điểm khác nhau về việc đây là tai nạn hay là hành động cố ý.
Thủ tướng Thụy Điển, Ulf Kristersson, đã kêu gọi con tàu quay trở lại Thụy Điển để hỗ trợ cuộc điều tra.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phản hồi yêu cầu bình luận hôm 19/12.
Diễn đàn