Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói thỏa thuận khung đạt được với các cường quốc thế giới sẽ bảo vệ những quyền theo đuổi hạt nhân của Iran và bỏ bớt những biện pháp trừng phạt quốc tế.
Trong một bài diễn văn phát trên truyền hình toàn quốc vào ngày thứ Sáu, ông Rouhani nói rằng thỏa thuận này là sự chấp nhận quyền của Iran được tinh chế uranium trên lãnh thổ của mình, lưu ý rằng Iran sẽ theo đuổi những mục tiêu hòa bình. Ông cho biết những máy ly tâm phải "quay," trong khi "cuộc sống của người dân và nền kinh tế phải tiến lên phía trước."
Ông cũng nói việc phát triển của chương trình hạt nhân của Iran không chống lại bất kỳ nước nào cụ thể.
Tổng thống Iran tuyên bố Iran sẽ tuân thủ tất cả những cam kết của mình trong thỏa thuận "miễn là phía bên kia cũng tôn trọng những lời hứa của mình."
Thỏa thuận khung hôm thứ Năm giữa Iran và sáu cường quốc thế giới nhắm mục tiêu kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran để đối lấy việc bỏ bớt những biện pháp trừng phạt của quốc tế. Thỏa thuận đạt được sau tám ngày đàm phán cường độ cao tại Lausanne, Thụy Sĩ và mở đường cho một thỏa thuận cuối cùng cần được hoàn tất trước ngày 30 tháng 6.
Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Barack Obama đang bàn về thỏa thuận khung này với cả 4 nhà lãnh đạo của Quốc hội, nơi mà những nhà lập pháp Đảng Cộng hòa lo ngại về một thỏa thuận đã đe dọa sẽ thông qua những chế tài mới nhắm vào Iran.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Eric Schultz nói những chỉ trích từ phía đảng Cộng hòa về thỏa thuận này "phần lớn là chín chắn."
Ông Schultz cũng cho biết ông Obama sẽ không bao giờ chấp nhận một thỏa thuận đe dọa tới Israel. Phát ngôn viên này nói những lo ngại của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về thỏa thuận này đã được nêu ra lên và "chúng tôi hiểu lập trường của ông ấy."
Ông Netanyahu là một trong những chống đối cuộc đàm phán hạt nhân này quyết liệt nhất. Các quan chức Israel cho biết Thủ tướng đã nói với ông Obama trong một cuộc điện đàm hôm thứ Năm rằng thoả thuận sẽ "đe dọa sự sống còn của Israel."
Những nước hoài nghi thỏa thuận này, trong đó có Israel và Ả-rập Saudi, nói rằng Mỹ và các nước đối tác sẽ nhượng bộ Iran quá nhiều thứ và để Iran lại với phương tiện chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trong một cuộc điện đàm với ông Obama, Quốc vương Ả-rập Saudi Salman bày tỏ hy vọng một giải quyết cuối cùng về tranh chấp hạt nhân sẽ "củng cố sự ổn định và an ninh của khu vực và thế giới," truyền thông chính thức của Ả-rập Saudi cho biết hôm thứ Sáu.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1