Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Tư 7/4 vạch ra lằn ranh đỏ về bản kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ đô la của ông. Vị tổng thống nói rằng ông có thể thỏa hiệp về cách thức huy động tiền cho kế hoạch cả gói này, nhưng không thể chấp nhận chuyện không có hành động gì.
Tổng thống Biden trở nên giận dữ khi đọc bài phát biểu vào chiều 7/4, nói rằng Hoa Kỳ hiện đang không chịu làm những việc gồm xây dựng, đầu tư và nghiên cứu cho tương lai, và ông nói thêm rằng không làm như vậy cũng có nghĩa là từ bỏ việc “dẫn đầu thế giới”.
Chúng tôi sẽ không chấp nhận chuyện chẳng làm gì cả. Không hành động không phải là một phương án.Tổng thống Biden
"Thỏa hiệp là điều bất khả kháng", ông Biden nói. “Chúng tôi sẽ sẵn sàng tiếp nhận những ý tưởng hay trong các cuộc đàm phán thiện chí. Nhưng chúng tôi sẽ không sẵn lòng chấp nhận điều này: Chúng tôi sẽ không chấp nhận chuyện chẳng làm gì cả. Không hành động không phải là một phương án, đơn giản là như thế”.
Ông Biden phản bác ý tưởng cho rằng thuế suất thấp sẽ giúp ích nhiều hơn cho tăng trưởng so với việc đầu tư vào các nhân viên y tế, cầu đường, nước sạch, internet băng thông rộng, trường học, lưới điện, xe điện và bệnh viện cho cựu chiến binh.
Vị tổng thống này gần đây bị các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và các nhóm doanh nghiệp phê phán vì ông đề xuất rằng cần tăng thuế doanh nghiệp để lấy tiền chi cho một gói cơ sở hạ tầng bao hàm nhiều lĩnh vực chứ không chỉ đặt trọng tâm vào lĩnh vực truyền thống là cầu đường.
“Điều mà tổng thống đề xuất trong tuần này không phải là một dự luật về cơ sở hạ tầng”, Thượng nghị sĩ Roger Wicker (đảng Cộng hòa, bang Mississippi) nói trong chương trình “Meet the Press” (Gặp gỡ báo giới) của đài NBC. “Đó là một khoản tăng thuế cực lớn. Và đó là việc tăng thuế đối với các doanh nghiệp nhỏ, đối với những người tạo ra việc làm ở Hoa Kỳ", vị thượng nghị sĩ nói.
Ông Biden hồi tuần trước đề xuất rằng nguồn tiền cấp cho kế hoạch về cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ đô la của ông phần lớn sẽ là nhờ việc tăng thuế suất doanh nghiệp lên 28% và mở rộng diện bị chịu thuế tối thiểu toàn cầu ở mức 21%. Nhưng ông cho biết hôm 7/4 rằng ông sẵn sàng chấp nhận thuế suất dưới 28% miễn là các dự án được cấp tiền và thuế không tăng đối với những người kiếm được dưới 400.000 đô la/năm.
"Tôi sẵn sàng lắng nghe điều đó", ông Biden nói. “Nhưng chúng ta phải chi trả cho kế hoạch này. Chúng ta có thể thực hiện bằng nhiều cách khác. Tôi sẵn sàng thương lượng. Tôi đã đưa ra cách tốt nhất, hợp lý nhất, theo quan điểm của tôi là cách công bằng nhất, để chi trả cho bản kế hoạch, nhưng cũng có nhiều cách khác. Và tôi có đầu óc cởi mở”.
Ông Biden nhấn mạnh rằng ông từng sẵn sàng thỏa hiệp về kế hoạch cứu trợ cho đại dịch Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la của ông, nhưng đảng Cộng hòa đã không chịu nhượng bộ thêm gì sau khi phản hồi với đề xuất của họ chỉ ở mức 600 tỷ đô la.
“Giả sử họ đưa ra một kế hoạch thực hiện được phần lớn những gì tôi đề ra và trị giá 1,3 nghìn tỷ đô la, thì tôi đã sẵn sàng thỏa hiệp. Nhưng họ đã không làm như vậy. Họ không nhượng bộ dù chỉ là 1 centimet”, ông Biden nói.
[Trung Quốc] đang tính toán rằng nền dân chủ Mỹ quá chậm chạp, quá hạn chế và quá chia rẽ nên không theo kịp được.Tổng thống Biden
Vị tổng thống nói thêm rằng vị trí của Mỹ trên thế giới gắn với bổn phận phải hành động xông xáo về cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ cho thời đại máy tính hóa. Nếu không, Mỹ sẽ thua Trung Quốc trong cuộc sát hạch cơ bản về dân chủ, theo cách gọi của Tổng thống Biden. Tuy nhiên, các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa phản biện rằng thuế cao hơn sẽ khiến Mỹ kém cạnh tranh hơn trên toàn cầu.
Tổng thống Biden phát biểu: “Quý vị nghĩ rằng Trung Quốc còn đang nấn ná chưa đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hoặc vào nghiên cứu và phát triển ư? Tôi dám nói với quý vị rằng họ không nấn ná đâu. Hơn nữa, họ đang tính toán rằng nền dân chủ Mỹ quá chậm chạp, quá hạn chế và quá chia rẽ nên không theo kịp được".
Chính quyền của ông Bidem hôm 7/4 thúc ép về sự cần thiết phải tăng thuế. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói rằng Tổng thống Donald Trump lúc đương quyền đã "tự hại mình" khi giả định rằng việc cắt giảm thuế suất doanh nghiệp xuống 21% từ mức 35% vào năm 2017 sẽ khiến nền kinh tế Mỹ cạnh tranh hơn và giải phóng năng lực tăng trưởng. Bà Yellen nói rằng sự cạnh tranh về thuế suất đã đi kèm với cái giá phải trả là không có tiền đầu tư vào người lao động.
"Cải cách thuế không phải là một trò được ăn cả ngã về không", bà nói với các phóng viên qua điện thoại. “Người ta nói quá nhiều về win-win (cả hai đều thắng), nhưng hiện giờ trước mặt chúng ta là một bản kế hoạch đôi bên cùng có lợi”.
Bà Yellen cho rằng việc tăng thuế sẽ đem về lợi tức khoảng 2,5 nghìn tỷ đô la trong 15 năm, đủ để trang trải các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng trong 8 năm đang được đề xuất.
Có một khoản chênh 200 tỷ đô la giữa số tiền thuế dự kiến sẽ tăng lên và số tiền mà chính quyền muốn chi. Điều này cho thấy vẫn còn chỗ để đàm phán với những người chỉ trích bản kế hoạch, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ của bang West Virginia, ông Joe Manchin, người nắm một lá phiếu chủ chốt của đảng Dân chủ, ông muốn mức thuế 25%.
Hôm 7/4, ông Manchin cũng phản đối quá trình điều chỉnh ngân sách cho phép đảng Dân chủ thông qua tại Thượng viện với mức đa số thấp nhất chỉ cần có 51 phiếu.
“Các đảng viên Dân chủ tại Thượng viện cần phải tránh sự cám dỗ là họ có thể gạt các đồng nghiệp đảng Cộng hòa sang một bên trong các vấn đề quốc gia đại sự”, ông Manchin viết trong một bài xã luận đăng trên Washington Post. “Tuy nhiên, đảng Cộng hòa có trách nhiệm ngừng nói ‘không’ và hãy tham gia vào việc tìm kiếm thỏa hiệp thực sự với đảng Dân chủ”, ông viết.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nói rằng các doanh nghiệp và các nhà lập pháp nên ngồi vào bàn thương lượng, và nữ bộ trưởng lưu ý rằng các bên vẫn có thể thương lượng về thuế suất và khung thời gian.
"Vẫn có thể thỏa hiệp", bà Raimondo nói trong một cuộc họp báo của Nhà Trắng. Bà nói tiếp: “Những gì chúng ta không thể làm, và tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp đừng làm, đó là nói rằng ‘Chúng tôi không thích thuế suất 28%. Chúng tôi bỏ đi. Chúng tôi không thảo luận’".
Điểm mấu chốt trong nỗ lực thuyết phục của chính quyền Biden là mức thu từ thuế doanh nghiệp sẽ được đưa về gần với các mức đã đạt được trong quá khứ, thay vì nâng lên mức cao mới có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ kém cạnh tranh hơn trên toàn cầu.
... gánh nặng thuế má ở Hoa Kỳ hiện khá sát với mức trung bình của các nước. Bản kế hoạch của ông Biden chắc chắn sẽ đẩy thuế suất lên mức cao trong số các nước đối tác thương mại lớn của chúng ta.Kyle Pomerleau, Viện Doanh nghiệp Mỹ
Việc ông Trump giảm thuế năm 2017 đã làm giảm một nửa số thu từ thuế doanh nghiệp xuống còn 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Số thu từ thuế trước đó bằng 2% GDP. Ngay cả con số 2% đó vẫn thấp hơn mức trung bình 3% của các quốc gia phát triển như Mỹ thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong tài liệu tóm lược về bản kế hoạch.
Tuy nhiên, một số người vẫn cho rằng tuyên bố của chính quyền có tính đánh lạc hướng.
Kyle Pomerleau, một thành viên tại Viện Doanh nghiệp Mỹ có tư tưởng bảo thủ, nói: “Chính quyền nên sử dụng các số liệu thống kê để đo lường trực tiếp gánh nặng đối với khu vực doanh nghiệp. Thực ra, nhiều cách đo lường về mức thuế suất có hiệu lực thực tế cho thấy rằng gánh nặng thuế má ở Hoa Kỳ hiện khá sát với mức trung bình của các nước. Bản kế hoạch của ông Biden chắc chắn sẽ đẩy thuế suất lên mức cao trong số các nước đối tác thương mại lớn của chúng ta".
Các nhóm kinh doanh như Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Hội nghị Bàn tròn Kinh doanh lập luận rằng thuế suất cao hơn sẽ gây tổn hại cho các công ty Hoa Kỳ hoạt động trên toàn thế giới và nền kinh tế nói chung.
Mô hình Ngân sách Penn-Wharton đưa ra một báo cáo hôm 7/4 tiên liệu rằng các khoản chi tiêu và thuế má kết hợp lại sẽ khiến nợ chính phủ của Mỹ tăng từ nay đến năm 2031 và sau đó giảm tính đến năm 2050. Nhưng nếu thực hiện bản kế hoạch, GDP của Mỹ sẽ bị giảm mất 0,8% vào năm 2050.