Đường dẫn truy cập

Truyền thông nhà nước TQ bày tỏ quan tâm về ký giả bị bắt


Trang đầu của tờ Khoái Báo
Trang đầu của tờ Khoái Báo
Truyền thông nhà nước Trung Quốc mới đây đã bày tỏ quan tâm đối với một ký giả bị bắt hồi tuần trước vì các bài tường thuật về những hành vi tham ô tại một công ty do nhà nước làm chủ. Ông Trần Vĩnh Châu bị bắt đi biệt tích hôm thứ Sáu tuần trước ở Quảng Châu, nơi ông viết hơn 10 bài tường thuật cho tờ Tân Khoái Báo để chỉ trích công ty Trung Liên, một công ty quốc doanh chuyên sản xuất các trang thiết bị xây dựng ở thành phố Trường Sa. Báo chí cho biết cảnh sát Trường Sa đã tới Quảng Châu bắt ông Trần về tội mà họ gọi là gây thiệt hại cho uy tín của doanh nghiệp.

Các hãng tin của nhà nước Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết cơ quan quản lý truyền thông của chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ “quan tâm” về số phận của nhà báo Trần Vĩnh Châu.

Tổng cục Báo chí và Xuất bản nói rằng họ “mạnh mẽ ủng hộ cho những hoạt động tường thuật bình thường của giới truyền thông và cương quyết bảo vệ cho các quyền hợp pháp của ký giả.”

Hiệp hội Ký giả Toàn quốc, một tổ chức được chính phủ trung ương hậu thuẫn, cũng lên tiếng yêu cầu cảnh sát xử lý vụ án ông Trần Vĩnh Châu “theo đúng pháp luật, bảo đảm an toàn cho nhà báo này và ngăn chận việc tra tấn để buộc ông nhận tội.”

Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) ở New York cho đài VOA biết rằng họ đang theo dõi sát vụ này. Ông Bob Dietz, Điều phối viên Chương trình Á châu của CPJ, nói rằng chính phủ trung ương Trung Quốc có lý do để thông cảm với ông Trần Vĩnh Châu và có thái độ phê phán đối với chủ quyền địa phương đã bắt giữ ông. Ông Dietz nói:

"Đây là một nhà báo đã phanh phui những hành vi tham ô trong lúc chính phủ Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch qui mô lớn để bài trừ tham nhũng. Sự chỉ trích mà chúng ta đang thấy là của các tổ chức cấp quốc gia, của chính phủ trung ương, chứ không phải của chính quyền địa phương, là những người dễ bị khuynh loát hơn bởi các viên chức của doanh nghiệp."

Ông Dietz nói rằng vụ ông Trần Vĩnh Châu bị bắt đi biệt tích là một vụ cấu kết giữa công ty quốc doanh ở Trường Sa với cảnh sát ở đây để trả đũa tờ báo ở Quảng Châu. Ông cũng cho rằng các nhân viên kiểm duyệt truyền thông của chính phủ trung ương không xem hoạt động tường thuật của ông Trần là một vấn đề cần phải bận tâm nhiều như các hoạt động của những nhà báo mạng, còn được gọi là ký giả công dân. Ông Dietz nhận định:

"Một số nhà báo và nhà văn đang bước ra ngoài phạm vi của việc tường thuật tin tức và bắt đầu hướng tới những hoạt động tranh đấu hoặc tổ chức người dân hoặc xây dựng một phong trào lớn hơn. Nhiều người trong số những người bị bắt là những blogger người Ughuir hoặc người Tây Tạng. Họ bày tỏ sự bất mãn của người Uighur đối với sự cai trị của Trung Quốc. Họ thúc đẩy cho Tây Tạng được độc lập hoặc được tự trị nhiều hơn. Đó chính là điều mà chính phủ Trung Quốc không dung thứ."

Tờ Tân Khoái Báo hôm thứ tư đã bắt đầu phản đối vụ bắt giữ ông Trần Vĩnh Châu bằng cách đăng câu “Hãy thả ông ấy” bằng chữ lớn trên trang nhất. Một ngày sau đó, họ cũng làm như vậy với câu “một lần nữa, chúng tôi yêu cầu thả ông ấy.”

Những hành vi phản kháng của báo chí Trung Quốc hiếm khi xảy ra vì giới hữu trách thường cắt bỏ những bài viết mà họ cho là có thể gây bất ổn xã hội.

Một nhân viên của tờ Tân Khoái Báo cho đài VOA biết rằng nhân viên đã được lệnh không nói chuyện với truyền thông nước ngoài.

Ông Bob Dietz của tổ chức CPJ cho biết những tờ báo địa phương như tờ Tân Khoái Báo là một phần của một mạng lưới của những tổ chức truyền thông mà sự hoạt động có phần tự do hơn so với những cơ quan truyền thông chính mạch. Ông cho biết:

"Họ có một khối độc giả trung thành. Họ thỏa mãn một nhu cầu. Và tôi nghĩ rằng họ đang đứng trước nhiều áp lực của dân chúng đòi họ có những hoạt động tường thuật tốt hơn. Và tôi nghĩ rằng chính phủ Trung Quốc có lúc phải tôn trọng điều đó."

Những bài tường thuật của ông Trần Vĩnh Châu trên tờ Tân Khoái Báo tố cáo công ty Trung Liên khai khống lợi nhuận. Công ty này cho biết họ kiếm được 7 tỉ 600 triệu đô la tiền lời hồi năm ngoái.

Công ty Trung Liên được niêm yết trên các thị trường chứng khoán ở Hồng Kông và Thâm Quyến. Cổ phiếu của họ bị giảm gần 6% ở Hồng Kông hôm thứ tư, khi tờ Tân Khoái Báo đăng tải lời phản kháng đầu tiên.

Cảnh sát Trung Quốc cho truyền thông nhà nước biết rằng họ tin là ông Trần Vĩnh Châu đã ngụy tạo những dữ kiện về tài chánh của công ty Trung Liên trong các bài tường thuật từ tháng 9 năm 2012 đến tháng 8 năm nay. Công ty Trung Liên cũng phủ nhận các cáo giác của ông Trần.

Tờ Tân Khoái Báo nói rằng họ đã kiểm tra những bài viết của ông Trần và chỉ phát giác một lỗi nhỏ về sự kiện.

Một bài bình luận hôm thứ Năm của tờ Hoàn cầu Thời báo, một cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, yêu cầu xử lý vụ án ông Trần “theo đúng pháp luật”, nhưng nhấn mạnh rằng vấn đề then chốt là tường thuật của ông có chính xác hay không.

Một bài viết khác trên tờ báo thường phản ánh quan điểm của chính phủ này trích lời các nhà phân tích nói rằng ngay cả những bài tường thuật có những sai sót về sự thật cũng phải được pháp luật bảo vệ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG