Đường dẫn truy cập

Trưởng cơ quan tình báo Mỹ đả kích vụ tiết lộ chương trình theo dõi


Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc Gia Hoa Kỳ James Clapper nói các chương trình đó cấp thiết cho các hoạt động chống khủng bố của Hoa Kỳ, và cảnh báo rằng việc tiết lộ đe dọa đến an ninh quốc gia
Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc Gia Hoa Kỳ James Clapper nói các chương trình đó cấp thiết cho các hoạt động chống khủng bố của Hoa Kỳ, và cảnh báo rằng việc tiết lộ đe dọa đến an ninh quốc gia
Trưởng Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ đả kích việc tiết lộ các văn kiện tối mật đã rọi tia sáng vào cách thức chính phủ thu thập thông tin ghi nhận các cú gọi điện thoại và sử dụng Internet.

Trong một thông cáo khuya thứ năm, ông James Clapper, Giám đốc An ninh Quốc gia, bênh vực các chương trình đó là cấp thiết cho các hoạt động chống khủng bố của Hoa Kỳ, và cảnh báo rằng việc phơi bầy các chương trình đó đe dọa đến an ninh quốc gia.

Ông Clapper nói: “Việc tiết lộ sái phép một văn kiện tối mật của tòa án Hoa Kỳ gây nguy cơ có thể làm phương hại lâu dài và không thể đảo ngược được cho khả năng nhận diện và đáp ứng trước nhiều mối đe dọa mà đất nước chúng ta phải đối mặt.”

Ông Clapper ngụ ý nói đến một bài tường thuật của báo The Guardian công bố một án lệnh mật yêu cầu công ty truyền thông Verizon giao cho Cơ quan An ninh Quốc gia, tức NSA, hàng triệu hồ sơ về các cú điện thoại của người dân Mỹ trên cơ sở “liên tục, mỗi ngày.”

Sau đó, báo Guardian, cùng với báo The Washington Post, còn tường thuật về một chương trình mật khác mà theo cáo buộc dành cho Cơ quan NSA và Cục Ðiều tra Liên bang việc truy cập trực tiếp các máy chủ của 9 công ty Internet lớn ở Hoa Kỳ, trong đó có Google, Facebook, YouTube và Apple.

Nhiều công ty này sau đó đã công bố các thông cáo nói rằng họ không để cho chính phủ trực tiếp truy cập các máy chủ của mình.

Các bài tường thuật “chứa nhiều điểm không chính xác”
Thông cáo của ông Clapper nói rằng các bài tường thuật của giới truyền thông “chứa đựng nhiều điểm không chính xác.” Mặc dù ông không đưa ra chi tiết cụ thể để hậu thuẫn cho lời khẳng định đó, ông có cho biết thông tin mới về các chương trình mà theo ông, nhằm mục đích chỉnh lại “ấn tượng sai lầm” về các bài báo mà ông Clapper nói là đã bỏ sót “thông tin chủ yếu.”

Ông Clapper nói: “Chương trình không cho phép Chính phủ nghe lén các cú điện thoại của bất cứ ai, ý muốn đề cập đến chương trình theo dõi các cú điện thoại. Thông tin đã thu thập được không bao gồm nội dung bất cứ thông tin liên lạc nào hay lý lịch của người đăng ký sử dụng. Loại thông tin duy nhất thu thập theo án lệnh là mô tả dữ liệu, tỷ như các số điện thoại đã gọi và thời gian các cú điện thoại.”

Ông cũng nhấn mạnh rằng chương trình theo dõi Internet, mang mật hiệu là “PRISM” không thể được sử dụng để cố ý nhắm mục tiêu và các công dân Hoa Kỳ hay những người đang sinh sống ở Hoa Kỳ.

Ông nói chương trình bao gồm rất nhiều thủ tục để bảo đảm rằng thông tin thu thập “một cách ngẫu nhiên” về các cá nhân ở Hoa Kỳ được bảo vệ.

Ông Clapper nói: “Thông tin thu thập trong khuôn khổ chương trình nằm trong số các thông tin tình báo nước ngoài quan trọng và có giá trị nhất mà chúng tôi thu thập, và được sử dụng để bảo vệ đất nước trước nhiều mối đe doạ.”

Chính phủ phản ứng thái quá về khủng bố?

Các chương trình đã khơi ra chỉ trích nghiêm khắc từ phía một số nhà lập pháp và các tổ chức dân quyền phản đối quyền rộng rãi mà quốc hội dành cho chính phủ sau các vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Ông Jim Harper, giám đốc nghiên cứu chính sách thông tin của Viện Cato, nhận định:

“Chương trình này nằm trong khuôn khổ một phản ứng thái quá đối với nạn khủng bố. Nó không thực sự truy tìm được khủng bố một cách hữu hiệu, nhưng chung cuộc chúng ta sẽ thấy những cách sử dụng rất tai hại cho quyền riêng tư và các quyền theo tu chính án thứ tư của chúng ta - tất cả đều là những công dân Mỹ tuân hành luật pháp.”

Trong một tuyên bố, phó giám đốc pháp lý của Liên đoàn Dân quyền Mỹ, ông Jameel Jaffer nói:

“chương trình này không thể nào đáng sợ hơn.” Ông cho rằng “những người vô tội đã bị đặt dưới sự theo dõi thường xuyên của chính phủ.

Có thể châm ngòi cho một cuộc tranh luận ở Quốc hội

Ông Ron Wyden, một thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ đại diện tiểu bang Oregon miền tây Hoa Kỳ, nói:

“Khi những người Mỹ tuân hành luật pháp gọi điện thoại, nói chuyện với ai, khi họ gọi và gọi từ đâu đều là thông tin riêng tư. Kết quả của những tiết lộ được phơi bầy ra ánh sáng hôm nay là chúng ta sẽ có một cuộc tranh luận thực sự ở Quốc Hội và trong nước lẽ ra đã phải xúc tiến từ lâu rồi.”

Các giới chức nói quyền theo dõi nằm trong Bộ luật Ái Quốc, đã được Tổng thống George W. Bush phê chuẩn năm 2001. Tổng thống Barack Obama cũng như Quốc Hội đã nới rộng các điều khoản chủ chốt của đạo luật.

Bà Elizabeth Goitein, đồng giám đốc chương trình Công lý thuộc Trung tâm Brennan, nói với đài VOA rằng việc chính phủ diễn dịch bộ luật thực đáng sợ.

Bà nói: “Thực là đáng sợ, nhưng tôi phải nói rằng không đáng ngạc nhiên bởi vì từ nhiều năm ta đã biết rằng chính phủ có một cách diễn dịch bí mật điều khoản hồ sơ doanh nghiệp trong Bộ luật Ái Quốc. Và chúng ta đã biết điều này bởi vì các thượng nghị sĩ truy cập được thông tin mật trong các ủy ban tình báo đã nói ra điều này.”

Chính quyền Obama vốn đã bị chỉ trích mới đây sau khi có tiết lộ rằng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ bí mật tịch thu hồ sơ điện thoại của hãng thông tấn Associated Press có liên hệ với một cuộc điều tra bị tiết lộ.

Các giới chức chính quyền đã gợi ý rằng còn sẽ có một cuộc điều tra về những vụ tiết lộ gần đây nhất.

VOA Express

XS
SM
MD
LG