Đường dẫn truy cập

Ủy ban Quốc hội Mỹ đánh dấu kỷ niệm 24 năm biến cố Thiên An Môn


Ảnh chụp một thanh niên mặc áo sơ mi trắng đứng chặn đầu xe tăng vào tháng 6 năm 1989 tại Trung Quốc.
Ảnh chụp một thanh niên mặc áo sơ mi trắng đứng chặn đầu xe tăng vào tháng 6 năm 1989 tại Trung Quốc.
Một số nhân vật bất đồng chính kiến Trung Quốc nổi tiếng và các nhà tranh đấu nhân quyền kêu gọi Hoa Kỳ có lập trường cứng rắn hơn đối với những vụ đàn áp nhân quyền đang tiếp diễn ở Trung Quốc. Lời kêu gọi được đưa ra hôm thứ hai tại một cuộc điều trần ở Quốc hội Mỹ để đánh dấu kỷ niệm 24 năm ngày xảy ra vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh.

Vào ngày 3 và 4 tháng 6 năm 1989, quân đội Trung Quốc đã nổ súng bắn vào những người biểu tình không vũ trang ở bên trong và xung quanh Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và dùng xe tăng cán chết nhiều người khác, gây tử vong cho hàng trăm người.

Nhiều người trên khắp thế giới cho tới nay vẫn còn nhớ bức hình chụp một thanh niên dũng cảm mặc áo sơ mi trắng đứng chặn đầu xe tăng.

Sau vụ thảm sát, chính phủ Trung Quốc đã bắt giữ hàng ngàn người và bỏ tù họ về tội gọi là “phản cách mạng.” Dân biểu Chris Smith -- thuộc đảng Cộng hòa, đại diện tiểu bang New Jersey, nói rằng điều không may là biến cố đó chẳng phải là một sự kiện xảy ra một lần mà nạn bách hại ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn cho tới ngày hôm nay.

Dân biểu Smith nói: "Trung Quốc ngày này là thủ đô tra tấn của thế giới. Nạn nhân của họ bao gồm những tín đồ của các tôn giáo, những người thuộc các sắc dân thiểu số, những người bênh vực cho nhân quyền như ông Trần Quang Thành, ông Cao Trí Thịnh và những người bất đồng chính kiến."

Trung Quốc ngày này là thủ đô tra tấn của thế giới. Nạn nhân của họ bao gồm những tín đồ của các tôn giáo, những người thuộc các sắc dân thiểu số, những người bênh vực cho nhân quyền...
Dân biểu Chris Smith.
Trung Quốc bác bỏ những cáo giác vi phạm nhân quyền và nói rằng những sự việc xảy ra cách nay 24 năm là “một vụ bạo loạn phản cách mạng.”

Một số người sống sót sau vụ thảm sát và đang định cư ở Mỹ đã tham dự một cuộc điều trần của tiểu ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm thứ hai, trong đó có ông Nguỵ Kinh Sinh, bà Sài Linh và ông Dương Kiến Lợi.

Ông Dương Kiến Lợi nói rằng cuộc điều trần diễn ra rất đúng lúc vì chỉ còn vài ngày nữa là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại California.

Ông Dương nói: "Đây là một thời điểm vô cùng quan trọng để gởi đi một tín hiệu cho giới lãnh đạo Trung Quốc biết rằng phẩm chất của mối quan hệ với Hoa Kỳ phần lớn là tùy thuộc vào cách thức mà họ đối xử với người dân của nước họ."

Ông Dương Kiến Lợi cho rằng nếu Tổng thống Obama không đề cập tới vấn đề vi phạm nhân quyền thì điều đó sẽ đánh đi một thông điệp mạnh mẽ là chính phủ Trung Quốc có thể tiếp tục chính sách đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Bà Sophie Richardson của tổ chức Human Rights Watch cũng kêu gọi Tổng thống Obama lên tiếng để bênh vực nhân quyền. Bà tố cáo chính phủ Trung Quốc tìm cách loại bỏ vụ thảm sát Thiên An Môn ra khỏi các cuốn sách về lịch sử. Bà kêu gọi các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc hãy thừa nhận vụ thảm sát và để cho gia đình của những người bị giết hại và bị bỏ tù trong vụ này được tư do cử hành những buổi lễ để tưởng nhớ tới biến cố này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG