Trung Quốc hôm 17/6 đã hạ thủy tàu sân bay thứ ba có tên là Phúc Kiến, được đặt theo tên của tỉnh nằm đối diện hòn đảo tự trị Đài Loan ở bên kia eo biển, động thái thông báo ý định đến các đối thủ trong khi Bắc Kinh hiện đại hóa quân đội.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã coi việc đại tu lực lượng quân đội lớn nhất thế giới là nội dung trung tâm trong chương trình nghị sự của ông và tìm cách thể hiện sức mạnh vượt khỏi bờ biển Trung Quốc, mặc dù chính phủ nước này nói rằng họ không có ý định thù địch.
Rượu sâm banh, ruy băng sặc sỡ, vòi rồng và khói đã được sử dụng để chào mừng tàu sân bay hạ thủy và được đặt tên chính thức tại một buổi lễ tại xưởng đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải, truyền thông nhà nước đưa tin.
Hàng chục thuỷ thủ xếp hàng trước con tàu và hát quốc ca tại buổi lễ, với sự tham dự của các quan chức cấp cao trong đó có ông Hứa Kỳ Lượng, phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Tàu sân bay này có sàn đáp dài với hệ thống phóng máy bay, theo truyền thông nhà nước.
Tàu Phúc Kiến sẽ hội quân với tàu Sơn Đông được biên chế vào cuối năm 2019 và tàu Liêu Ninh, chiếc tàu cũ mà Trung Quốc đã mua lại của Ukraine vào năm 1998 và tân trang lại ở trong nước.
Trung Quốc vẫn đang hoàn thiện khả năng vận hành đội tàu sân bay và tổ chức thành nhóm tàu tác chiến, điều mà Mỹ đã làm nhiều thập kỷ qua.
Chỉ có nước Mỹ với 11 chiếc là có số lượng tàu sân bay nhiều hơn Trung Quốc.
Việc hạ thủy tàu Phúc Kiến cho thấy năng lực ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc vào lúc căng thẳng gia tăng với Mỹ về vấn đề Đài Loan mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của họ và đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Tỉnh ven biển Phúc Kiến nằm ngay phía bên kia eo biển Đài Loan và là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh Chiến trường phía Đông của Giải phóng Quân nhân dân.
Đài Loan là một nền dân chủ thịnh vượng nhưng Trung Quốc coi hòn đảo này là lãnh thổ của họ và chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát hòn đảo.
Một quan chức cấp cao của Đài Loan thông thạo với kế hoạch an ninh của hòn đảo này nói với Reuters rằng với tàu sân bay mới, Trung Quốc đang báo hiệu cho khu vực ý định của họ về việc triển khai sức mạnh vươn xa ra Thái Bình Dương.
“Trong tương lai, họ muốn xâm nhập trực tiếp vào phía đông chuỗi đảo thứ nhất, bao gồm quần đảo Ryukyu của Nhật Bản và vùng biển Thái Bình Dương ngoài khơi phía đông Đài Loan,” quan chức giấu tên này nói.
“Bất kỳ sự hợp tác khu vực nào cũng được Bắc Kinh coi là sự can thiệp vào vấn đề Đài Loan hay là thách thức đối với Trung Quốc. Việc hạ thủy tàu sân bay mới là một cách thách thức lại.”
Đài Loan đã hiện đại hóa quân đội của họ, bao gồm đưa vào hoạt động một lớp tàu chiến tàng hình rất nhanh nhẹn mới, mà họ gọi là ‘sát thủ tàu sân bay’ do được bổ sung tên lửa.
Bộ Quốc phòng Đài Loan nói trong một tuyên bố gửi cho Reuters về tàu sân bay mới rằng họ ‘rất coi trọng’ sự phát triển quân sự của Trung Quốc và ‘đưa điều này vào nghiên cứu tình huống kẻ thù theo cách hướng tới tương lai’.