Đường dẫn truy cập

Trung Quốc: Bắc Triều Tiên có 20 quả bom hạt nhân


Hình ảnh vệ tinh do GeoEye cung cấp cho thấy các khu vực xung quanh cơ sở hạt nhân Yongbyon ở Yongbyon, Bắc Triều Tiên.
Hình ảnh vệ tinh do GeoEye cung cấp cho thấy các khu vực xung quanh cơ sở hạt nhân Yongbyon ở Yongbyon, Bắc Triều Tiên.

Một nhật báo lớn ở Mỹ cho biết các chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Trung Quốc nâng số ước tính của họ về khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên vượt khỏi ước tính trước đây của Hoa Kỳ. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, tờ Wall Street Journal trích lời một chuyên gia có uy tín của Mỹ về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên nói rằng nếu ước tính của Trung Quốc là chính xác thì những nỗ lực phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên sẽ có thêm rất nhiều chướng ngại.

Theo tin của tờ Wall Street Journal, tại một cuộc họp kín với các chuyên gia hạt nhân Mỹ tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc hồi tháng hai, các chuyên gia Trung Quốc nói rằng Bắc Triều Tiên có thể đã có 20 đầu đạn hạt nhân. Trước đây không lâu, các chuyên gia Mỹ cho rằng Bắc Triều Tiên có từ 10 đến 16 quả bom hạt nhân.

Bài báo trích lời ông Siegfried Hecker, cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos của Mỹ, nói rằng Bình Nhưỡng càng tin họ có một kho vũ khí hạt nhân hoạt động đầy đủ và có khả năng răn đe nhiều chừng nào thì càng khó thuyết phục họ từ bỏ vũ khí hạt nhân nhiều chừng đó.

Plutonium cấp vũ khí

Tên lửa trong cuộc diễu hành quân sự ở Bình Nhưỡng, tháng 7, 2013.
Tên lửa trong cuộc diễu hành quân sự ở Bình Nhưỡng, tháng 7, 2013.

Các chuyên gia hạt nhân Trung Quốc cũng cho biết Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất một số lượng plutonium đủ để tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân của họ vào năm tới.

Giáo sư Hecker là người đầu tiên tiết lộ chương trình tinh luyện uranium của Bình Nhưỡng khi ông tới thăm Bắc Triều Tiên năm 2010.

Ông cho biết các chuyên gia Trung Quốc giờ đây tin rằng Bình Nhưỡng có nhiều khả năng hơn để tinh luyện uranium ở bên trong nước họ so với ước tính trước đây.

Ông James Kim, một nhà phân tích an ninh của Viện Nghiên cứu Chính sách Á châu ở Seoul, không biết chắc lý do tại sao Trung Quốc cho phép các chuyên gia của họ nói với các chuyên gia Mỹ về số bom hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

"Chính sách của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên đã thay đổi khá lâu rồi. Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa mời người đứng đầu chế độ Bắc Triều Tiên đến dự một cuộc họp thượng đỉnh. Quan hệ giữa Trung Quốc với Bắc Triều Tiên đã bị nguội lạnh khá lâu. Nhưng những sự tiết lộ mới đây đã làm một số người ngạc nhiên. Nó mang lại cho các đồng minh của Mỹ một lý do để tăng cường sự phòng vệ chống lại Bắc Triều Tiên, và đây là một tin vui, xét theo quan điểm của Trung Quốc."

Hai vấn đề

Ông Kim cho biết Bắc Triều Tiên vẫn còn đối mặt với hai vấn đề chính về kỹ thuật. Một là sự trở về bầu khí quyển của phi đạn đạn đạo liên lục địa và hệ thống điều hướng để đánh trúng mục tiêu; và hai là làm thế nào để thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân.

Ông Sydney Seiler, đặc sứ Mỹ tại cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, hôm thứ ba vừa qua nói rằng cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với 6 đại cường thế giới cho thấy Hoa Kỳ sẵn sàng thương thuyết để có một giải pháp cho vụ giằng co hạt nhân với Bắc Triều Tiên. Ông Seiler cũng nói rằng những sự giao tiếp của Mỹ với Iran, Myanmar và Cuba nêu bật sự linh động và sáng tạo của Washington khi họ có được một đối tác đối thoại khả tín, một đối tác có thể quyết định thay đổi đường lối để phục vụ các quyền lợi quốc gia của mình.

Truyền hình Hàn Quốc tường thuật về một vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên.
Truyền hình Hàn Quốc tường thuật về một vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên.

Ông Troy Stangarone, một nhà nghiên cứu của Viện Kinh tế Triều Tiên ở Washington, cho rằng nếu tường thuật của tờ Wall Street Journal là chính xác, điều này cho thấy mục tiêu đạt được thoả thuận phi hạt nhân hoá với Bắc Triều Tiên mỗi ngày một xa vời hơn.

"Nó nêu ra những câu hỏi về những gì cần phải làm để Bắc Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân và khả năng là sẽ làm như vậy cao tới mức nào. Rõ ràng là Bắc Triều Tiên đang ra sức xúc tiến chương trình của họ và điều đó làm cho vấn đề trở nên khó khăn hơn."

Hồi trung tuần tháng này, Đô đốc William Gortney, người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Bắc của quân đội Mỹ, cảnh báo rằng Bình Nhưỡng giờ đây đã có khả năng để gắn bom hạt nhân lên một phi đạn KN-08 có thể bắn tới lục địa nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Gortney nói rằng chưa có dấu hiệu cho thấy Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm loại phi đạn liên lục địa này. Về việc này, nhà phân tích Stangarone của Viện Kinh tế Triều Tiên cho biết như sau.

"Những gì mà chúng tôi biết được là họ đã thử nghiệm thành công cả hai loại phi đạn có khả năng bắn tới Nam Triều Tiên và Nhật Bản: phi đạn Taepodong-1 và phi đạn Nodong. Người ta cũng tin là họ đã thu nhỏ một đầu đạn có thể gắn vào một trong hai loại vũ khí đó. Vì vậy, cả Seoul va Nhật Bản có thể nằm trong tầm tác xạ của Bắc Triều Tiên. Và để đối phó với việc này chúng ta phải có một hệ thống phòng thủ phi đạn tốt hơn."

Ông Stangarone hy vọng những thông tin mà Trung Quốc tiết lộ là một dấu hiệu cho thấy rằng, với tư cách là đối tác thương mại, nhà đầu tư và nước cấp viện lớn nhất của Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh sẽ thúc đẩy Bình Nhưỡng quay lại với cuộc đàm phán 6 bên mà họ từ bỏ hồi năm 2009.

Trong khi đó, tờ Wall Street Journal cho biết sự gia tăng của kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên làm gia tăng mối lo ngại của quốc tế về nạn phổ biến hạt nhân từ một nước mà các giới chức Mỹ nói đã xuất khẩu kỹ thuật hạt nhân sang Syria và bán các bộ phận phi đạn cho Iran, Yemen và Ai Cập.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG