Bắc Triều Tiên hôm nay mừng ngày lễ lớn nhất trong năm của nước họ để đánh dấu ngày sinh của ông Kim Il Sung, người sáng lập quốc gia Cộng Sản vùng Đông Bắc Á này. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA ở Seoul, lễ hội của Ngày Mặt Trời nhắm tới việc tăng cường vị thế lãnh đạo của ông Kim Jong Un bằng cách nhắc nhở người dân Bắc Triều Tiên về công trạng của ông nội ông.
Một cuộc diễn binh hôm Chủ nhật đã mở đầu cho những lễ hội kéo dài một tuần lễ để kỷ niệm ngày sinh thứ 103 của cố lãnh tụ Kim Il Sung, người đã lãnh đạo Bắc Triều Tiên từ lúc nước này được thành lập năm 1948 cho tới khi ông qua đời năm 1994.
Theo tường thuật của hãng tin của nhà nước, ông Kim Jong Un, đương kim lãnh tụ Bắc Triều Tiên và là cháu nội của ông Kim Il Sung, đã đến viếng Dinh Mặt Trời Kumsusan ở Bình Nhưỡng, nơi xác của ông nội ông và cha ông, ông Kim Jong Il, được đặt trong những quan tài bằng kiếng.
Hôm qua, ông Kim Yong Nam, một quan chức hàng đầu ở Bình Nhưỡng, đã lên tiếng tán tụng ông Kim Il Sung bằng cách nhắc lại việc cố lãnh tụ này đã chiến đấu chống lại sự đô hộ của Nhật, thành lập quốc gia Cộng Sản Bắc Triều Tiên sau thế chiến thứ hai và lãnh đạo đất nước trong cuộc chiến tranh Triều Tiên hồi đầu thập niên 1950.
Ông Kim Heung Kwang, một người Bắc Triều Tiên đào tị và là chủ tịch của tổ chức nghiên cứu có tên Hội Trí thức Đoàn kết Bắc Triều Tiên, là một người chỉ trích cả ba thế hệ của chế độ Bình Nhưỡng.
Nhưng ông thừa nhận rằng hầu hết những người Bắc Triều Tiên, nhất là những người lớn tuổi, nhớ tới ông Kim Il Sung như một người yêu nước, đã chiến đấu cho nền độc lập của tổ quốc; và họ liên kết sự cai trị của ông với những thời kỳ mà nền kinh tế tương đối khả quan.
Ông Kim Heung Kwang nói nếu họ có một sự đánh giá tích cực thì họ sẽ nói là thời đó dân chúng không bị thiếu thốn những nhu yếu phẩm, như lương thực.
Tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch nêu ra rằng ông Kim Il Sung đã thiết lập một chế độ độc tài tàn bạo, một chế độ dùng sức mạnh gây chết người để nắm quyền cai trị và tước đoạt các quyền tự do diễn đạt, tự do báo chí, tự do thành lập công đoàn và không chấp nhận bất kỳ một tổ chức độc lập nào. Ông Kim Il Sung đã xử tử nhiều người bất đồng chính kiến và giam cầm những người khác cùng với toàn thể gia đình của họ trong một hệ thống bí mật của các nhà tù chính trị.
Mặc dầu vậy, nhiều người Bắc Triều Tiên vẫn có những kỷ niệm tươi đẹp với ông Kim Il Sung hơn là với con trai ông là ông Kim Jong Il, là người được nhớ tới vì nạn đói kinh khiếp trong thập niên 1990. Việc mất đi những khoản viện trợ nước ngoài sau khi Liên Sô sụp đổ là một nguyên do chính dẫn tới tình trạng thiếu hụt lương thực nghiêm trọng, làm cho hơn 200.000 người bị chết đói. Tuy nhiên, việc ông Kim Jong Il không tìm cách giải quyết các vấn nạn kinh tế mà vẫn tiếp tục theo đuổi những hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân cũng đã góp phần gây ra thảm hoạ nhân đạo đó.
Nhiều người cho rằng ông Kim Jong Un giống ông nội ông thời trẻ. Ông Kim Heung Kwang nói rằng ông Kim Jung Un, người được gọi là “lãnh tụ thân ái”, đã ra sức tăng cường ấn tượng đó bằng cách ăn bận những loại quần áo, để kiểu tóc, có những điệu bộ, cử chỉ in hệt như ông Kim Il Sung.
Ông Kim Heung Kwang nói ông Kim Jong Un muốn làm cho người dân Bắc Triều Tiên tin rằng ông chính là ông Kim Il Sung đầu thai, và tư tưởng chính trị và khả năng lãnh đạo của ông giống như ông nội ông.
Ông Kim Heung Kwang cho rằng cách thức này đã giúp cho ông Kim Jong Un củng cố quyền hành kể từ khi lên giữ chức tư lệnh tối cao của Quân đội Nhân dân Triều Tiên sau cái chết của thân phụ ông năm 2011.
Cũng có tin cho biết ông Kim Jong Un đã thanh trừng nhiều quan chức bị nghi là không trung thành với ông, trong đó có việc xử tử người dượng và từng là người đỡ đầu của ông, ông Jang Song Thaek, vào năm 2013.