Chính phủ Nam Triều Tiên đang cứu xét việc thành lập một quỹ bằng tiền mặt để dùng trong chương trình trao đổi tù binh với Bắc Triều Tiên. Thông tín viên Đài VOA Brian Padden tường trình là hầu hết người dân Seoul muốn những người tù được trả tự do là tù binh Bắc Triều Tiên bị giam giữ kể từ năm 1953.
Thủ tướng Nam Triều Tiên vừa mới được bổ nhiệm Lee Wan-koo, nói với Quốc hội trong tuần này là ông muốn đưa về nước những tù binh bị giam tại Bắc Triều Tiên trong hơn 60 năm cũng như những người khác bị Bình Nhưỡng bắt cóc.
Ông nói một cách có thể làm được việc này là chi tiền cho Bình Nhưỡng theo lối Tây Đức đã chi tiền cho Đông Đức trong suốt cuộc chiến tranh lạnh để đổi lấy tự do cho hàng ngàn tù nhân chính trị theo một chương trình được gọi là “Freikauf.”
Thủ tướng Lee Wan-ko nói cách trao đổi “Freikauf” theo lối Triều Tiên đáng được cứu xét, và ông sẽ chỉ thị chính phủ tiến hành một cuộc nghiên cứu sâu rộng hơn về vấn đề này.
Chính phủ Nam Triều Tiên tin là còn hơn 500 tù binh chiến tranh bị miền Bắc bắt trước khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953 hiện vẫn còn bị giam giữ tại Bắc Triều Tiên. Kể từ khi chiến tranh chấm dứt, Bắc Triều Tiên đã bắt giữ hay bắt cóc thêm hàng trăm công dân Nam Triều Tiên nữa vì nhiều lý do khác nhau.
Ông Choi Sung-yong nói gián điệp Bắc Triều Tiên bắt cóc cha ông đang làm việc trên một tàu đánh cá gần vùng biên giới vào năm 1967. Ông Choi hiện là chủ tịch một tổ chức có tên là Liên hội Đại diện cho những Gia đình những Người bị bắt cóc. Ông Choi nói Bắc Triều Tiên bắt cha ông vì cha ông là một thuyền trưởng nổi tiếng của Hải quân Nam Triều Tiên trong thời kỳ chiến tranh.
Ông Choi nói Bắc Triều Tiên đem cha ông ra xử và tại một phiên toà công khai và đã hành quyết cha ông. Ông nói cha ông là người bị bắt cóc đầu tiên sau đó được chính phủ của tổng thống Park Geun-hye tặng thưởng huân chương.
Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên đầu tiên đưa ra ý kiến trả tiền để đổi lấy tự do cho các tù binh và các tù chính trị cách đây vài năm. Theo kế hoạch “Freikauf," Tây Đức đã trả hơn 50.000 đô la cho mỗi tù nhân
Ý kiến này chưa được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng Nam Triều Tiên. Nhiều người quan ngại là việc này cũng như trả tiền chuộc con tin, một chương trình trả tiền mặt để đổi lấy tù nhân có thể khuyến khích thêm nhiều vụ bắt cóc nữa trong tương lai. Bình Nhưỡng cũng có thể đòi một giá quá đáng hay có thể dùng tiền để tài trợ cho chương trình hạt nhân của họ.
Ông Choi Sung-yong không nghĩ là có ý muốn chính trị của cả Seoul lẫn Bình Nhưỡng để đưa về Nam Triều Tiên các tù binh hay những người bị bắt cóc.
Ông Choisung-young nói ông biết ơn Thủ tướng đề cập trên nguyên tắc đến việc này, nhưng ông tự hỏi không biết Bắc Triều Tiên muốn bán những người bị họ giam giữ hay không.
Một số người bị bắt cóc bị buộc làm việc trong các nhà xưởng hay hầm mỏ hay trong những điều kiện khắc nghiệt. Nhiều gia đình của những tù binh bị bắt trong chiến tranh cũng không biết là người thân của họ có còn sống hay không nữa.