Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên sẽ bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận chung hàng năm vào đầu tháng tới. Theo tường thuật của thông tín viên Richard Green của đài VOA, loan báo do chính phủ ở Seoul đưa ra ngày hôm nay có phần chắc làm cho Bắc Triều Tiên tức giận.
Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên cho biết cuộc diễn tập Key Resolve - cuộc thao dượt phần lớn được thực hiện trên máy vi tính, cùng với cuộc diễn tập Foal Eagle - cuộc tập trận dã ngoại với qui mô lớn hơn, sẽ bắt đầu vào ngày 2 tháng 3.
Các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn lâu nay vẫn là một nguồn gây căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng xem đó là một sự chuẩn bị để xâm lăng, nhưng Washington và Seoul tuyên bố các cuộc diễn tập chỉ có tính chất phòng vệ.
Giới hữu trách Nam Triều Tiên hôm nay tuyên bố sẽ thực hiện những biện pháp trả đũa mạnh mẽ đối với Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng có bất kỳ hành động nào chống lại các cuộc thao dượt.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nam Triều Tiên Kim Min Seok phát biểu như sau.
"Bắc Triều Tiên sẽ sai lầm khi họ liên kết những cuộc thao dượt có tính chất phòng vệ như vậy với mối quan hệ Nam-Bắc. Đây không phải là vấn đề để liên kết. Các cuộc thao dượt hàng năm để bảo vệ bán đảo Triều Tiên không liên hệ gì tới mối quan hệ Nam-Bắc. Nếu Bắc Triều Tiên gây hấn với chúng tôi để đáp lại việc này hoặc đe dọa chúng tôi bằng những cách thức khác, chính phủ và quân đội của chúng tôi sẽ không ngồi yên mà nhìn. Chúng tôi sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ."
Ông Kim Min Seok cho biết Seoul đã thông báo cho Bắc Triều Tiên về những cuộc thao dượt, nhưng chưa nhận được phúc đáp.
Hồi đầu tháng này, Bình Nhưỡng đề nghị tạm ngưng các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân nếu Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên hủy bỏ các chương trình tập trận chung.
Bắc Triều Tiên đã thực hiện 3 vụ thử nghiệm hạt nhân, và trong quá khứ, họ đã dùng những cuộc diễn tập Mỹ-Hàn như một cơ hội để dọa tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân nhắm vào nước Mỹ, tuy các chuyên gia không tin Bắc Triều Tiên có đủ khả năng để làm như vậy.
Bình Nhưỡng khăng khăng cho rằng chương trình vũ khí hạt nhân của họ chỉ có tính chất phòng vệ và cần thiết để ứng phó với sự hiện diện của 28.500 binh sĩ Hoa Kỳ ở Nam Triều Tiên.
Hai miền Triều Tiên trên lý thuyết vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh, vì hiệp định chấm dứt cuộc nội chiến từ năm 1950 đến năm 1953 chỉ là một hiệp định ngưng bắn chứ không phải là hòa ước.