Đường dẫn truy cập

Các tổ chức nhân quyền tiếp tục gây sức ép lên Bắc Triều Tiên


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đưa ra các hướng dẫn khi đến thăm công trường xây dựng ở Bình Nhưỡng. Các tổ chức nhân quyền và LHQ muốn đưa các giới chức Bắc Triều Tiên, kể cả ông Kim Jong Un ra xét xử trước Tòa Hình sự Quốc tế về tội ác chống nhân loại.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đưa ra các hướng dẫn khi đến thăm công trường xây dựng ở Bình Nhưỡng. Các tổ chức nhân quyền và LHQ muốn đưa các giới chức Bắc Triều Tiên, kể cả ông Kim Jong Un ra xét xử trước Tòa Hình sự Quốc tế về tội ác chống nhân loại.

Hội nghị về thành tích nhân quyền của Bắc Triều Tiên do một tổ chức bất vụ lợi tổ chức đang gặp phải sự chỉ trích kịch liệt từ Bình Nhưỡng, là nước đe dọa sẽ có phản ứng mạnh mẽ đối với điều mà họ gọi là sự gây hấn của các thế lực thù địch. Theo tường thuật của thông tín viên Brian Padden của đài VOA ở thủ đô của Nam Triều Tiên, hội nghị ngày hôm nay tại Washington là một phần của một kế hoạch rộng lớn hơn của các tổ chức nhân quyền nhằm gây sức ép để đòi Bắc Triều Tiên tháo dỡ hệ thống nhà tù chính trị đầy áp bức.

Những nỗ lực tại Liên hiệp quốc để truy tố các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên trước Tòa án Hình sự Quốc tế về tội ác chống nhân loại đã gặp bế tắc, nhưng vấn đề này tiếp tục thu hút sự chú tâm của cộng đồng quốc tế.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, cho biết tổ chức ông dự định sử dụng nhiều cách thức khác nhau để công khai làm cho chính quyền Bình Nhưỡng phải hổ thẹn vì nạn đàn áp nhân quyền ở nước họ, cho dù các nước đồng minh của Bắc Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ngăn chận những hành động trừng phạt.

"Dĩ nhiên tình hình có thể là như vậy, bởi vì Trung Quốc và Nga đương nhiên vẫn còn ở đó. Họ vẫn còn có quyền phủ quyết. Như thế có lẽ chúng tôi sẽ phải tìm kiếm một cơ chế quốc tế lâm thời để buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm."

Áp lực quốc tế đối với Bình Nhưỡng đã gia tăng cường độ kể từ khi Liên hiệp quốc công bố một bản phúc trình hồi năm ngoái, trong đó ghi nhận những chi tiết về một mạng lưới nhà tù chính trị ở Bắc Triều Tiên và những hành vi tàn ác, kể cả giết người, bắt người làm nô lệ và tra tấn.

Tuy Hội đồng Bảo an chưa biểu quyết để truy tố Bắc Triều Tiên, cơ quan này đã biểu quyết hồi tháng 12 năm ngoái để đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự. Các nhà tranh đấu nhân quyền nói rằng cuộc biểu quyết có tính chất thủ tục này là một thắng lợi lớn, vì một khi vấn đề đã nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an thì nó có thể được mang ra thảo luận trở lại bất cứ lúc nào.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington trong tuần này sẽ tổ chức một cuộc hội thảo công khai về nhân quyền ở Bắc Triều Tiên.

Ông Jang Il Hun, Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên hiệp quốc, hôm thứ hai phản đối việc cộng đồng quốc tế tiếp tục chú tâm tới vấn đề nhân quyền ở nước ông. Ông bác bỏ những cáo giác đàn áp nhân quyền và nhất mực nói rằng đề nghị của Bình Nhưỡng để tham gia cuộc hội thảo đã bị Washington từ khước, mặc dù sự kiện này mở rộng cho công chúng.

"Chúng tôi sẽ phản ứng một cách mạnh mẽ cho tới cùng, đối với bất kỳ hành vi gây hấn nào của các thế lực thù địch, chẳng hạn như hội nghị do Hoa Kỳ triệu tập. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển và tăng cường nhân dân của mình và hệ thống xã hội chủ nghĩa, chính thức bảo đảm cho sự bảo vệ và thăng tiến các quyền con người của nhân dân chúng tôi."

Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền và Liên hiệp quốc vẫn không chùn bước. Tháng 3 tới đây Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc sẽ nhóm họp tại Geneve và sẽ mở một phiên họp đặc biệt về Bắc Triều Tiên. Cũng trong năm nay, Văn phòng Cao ủy trưởng Nhân quyền Liên hiệp quốc sẽ mở một văn phòng tại Seoul để tập trung về tình hình nhân quyền ở Bắc Triều Tiên, là nước theo chủ nghĩa Cộng Sản có vũ khí hạt nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG