Tuần này, Bắc Triều Tiên triệu tập phiên họp quốc hội quan trọng đầu tiên trong năm. Đây là một sự kiện đã được hoạch định và được nhiều người coi là bề mặt để đem lại cho chế độ độc tài của ông Kim Jong Un một dáng vẻ ủng hộ dân chủ. Nhưng các phiên họp này có thể hé lộ đôi chút về việc nắm giữ quyền lực của ban lãnh đạo và sự ổn cố của chế độ, theo bài tường thuật từ Seoul của thông tín viên VOA Brian Padden.
Phiên họp thứ ba của Nghị hội Nhân dân Tối cao thứ 13 của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên sẽ quy tụ 687 đại biểu trong nước. Các phiên họp lập pháp này được dàn dựng rất kỹ. Các đại biểu đều bỏ phiếu tán thành mọi quyết định mà không có tranh luận.
Phần trình bày được chuẩn bị kỹ càng nhắm mục đích phô trương thế lực và uy tín của Kim Jong Un, lãnh tụ tối cao thế hệ thứ ba của nước này.
Thực ra người ta biết rất ít về cách thức thực quyền được áp dụng và các quyết định được thực hiện như thế nào bên trong chế độ khép kín và độc tài này.
Song các chuyên gia phân tích và các cơ quan tình báo nước ngoài thường nghiên cứu những phiên họp công khai để đánh giá ai có thể giành thế lực họ có thể tác động ra sao đến các chính sách kinh tế và an ninh.
Không có khả năng để theo đuổi cải cách
Ông Ahn Chan-il, một người Bắc Triều Tiên đào tỵ và là người đứng đầu Học viện Thế giới về Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, cho rằng những người vừa được ông Kim Jong Il bổ nhiệm là các nhà lãnh đạo đảng và quân đội lớn tuổi có liên hệ chặt chẽ với các chính sách ủng hộ phát triển hạt nhân của thân phụ ông. Ông nói các quyết định này cho thấy ông Kim không có khả năng theo đuổi những cải cách mà ban đầu có thể ông đã mong muốn.
Ông Ahn Chan-il nói trong việc xây dựng và phát triển vũ khí hạt nhân, củng cố một cách thiếu đồng bộ quyền lực và tổ chức quân đội chiến lược, chế độ Kim Jong Un có thể đang tìm cách đi ra khỏi chính sách đặt quân đội lên hàng đầu. Nhưng ông ta không thể thoát ra được và vẫn còn luẩn quẩn ở nguyên một chỗ.
Ông Jang Jin-seong, cũng là một người Bắc Triều Tiên đào tỵ và là giáo sư tại trường Đại học Leiden ở Hà Lan, tin rằng ông Kim Jong Un bị kẹt trong cơ chế quyền lực do cha ông thiết lập.
Ông Jang nói sự khác biệt giữa ông Kim Jong Il và ông Kim Jong Un là ông Kim Jong Il là một nhà độc tài tự lập, trong khi ông Kim Jong Un là một người thừa kế trong dòng họ. Đây là một sự khác biệt lớn.
Tôn sùng cá nhân
Những sự kiện được dàn dựng như Nghị hội Nhân dân nằm trong khuôn khổ các nỗ lực tuyên truyền ráo riết nhắm nuôi dưỡng việc tôn thờ cá nhân quanh gia đình Kim, mô tả lãnh tụ là một nhân vật thần thánh toàn hảo. Ông Jang Jin Seong nói càng ngày càng có nhiều người không coi lãnh tụ thế hệ thứ ba là toàn năng.
Xác định công chúng và các giới chức cấp cao nhất thực sự nghĩ gì về một vấn đề gần như là điều không thể làm được trong quốc gia độc tài này.
Ông Andrei Lankov, một giáo sư về lịch sử Bắc Triều Tiên tại trường đại học Kookmin ở Seoul, cảnh báo rằng việc đồn đoán về cách thức thực hiện các quyết định trong chế độ khép kín này thường là không tin cậy được.
Ông Lankov nói: “Một trong các bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất là nội bộ bên trong và hình thức mà ta có thẻ nói là hoàng gia của nước này. Chúng ta biết rất ít. Và những người biết được điều gì đó sẽ không nói cho bạn biết bởi vì khi họ bắt đầu nói là họ sẽ gặp rắc rối ngay.”
Rất ít người bên ngoài được phép đi thăm Bắc Triều Tiên và gần như không có cơ hội nào để người nước ngoài có thể thảo luận không chính thức về những đề tài chính trị với các giới chức Bắc Triều Tiên.
Trong khi Nghị hội Nhân dân có thể đem lại một cái nhìn hiếm hoi nhưng bị kiểm soát về hình thái và phương hướng của chính phủ Kim Jong Un, ông Lankov cho rằng ta không nên diễn dịch quá nhiều từ đó.