Đặc sứ Mỹ tại cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên cho biết tiến bộ trong cuộc đàm phán với Iran chứng tỏ Hoa Kỳ sẵn sàng điều đình để có một giải pháp cho vụ giằng co hạt nhân với Bình Nhưỡng. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, Đặc sứ Sydney Seiler nói rằng vấn đề khó khăn hiện nay là không có một đối tác đối thoại khả tín, một nhà lãnh đạo có thể quyết định thay đổi đường lối vì quyền lợi của đất nước.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington hôm thứ ba, Đặc sứ Sydney Seiler nói rằng giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên đối mặt với hai sự lựa chọn: (một là) phi hạt nhân hoá để có được thịnh vượng và (hai là) tiếp tục không tuân hành các nghĩa vụ quốc tế để bị cô lập nhiều hơn nữa. Ông cho biết Washington đang mở rộng cánh cửa thương thuyết cho Bình Nhưỡng, 6 năm sau khi Bắc Triều Tiên từ bỏ cuộc đàm phán với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Trung Quốc, và Nga.
"Tiến bộ trong cuộc đàm phán hạt nhân giữa chúng tôi với Iran chứng tỏ một cách rõ ràng sự sẵn sàng của chúng tôi để chủ động giao tiếp với những quốc gia mà Hoa Kỳ có những ý kiến bất đồng trong một thời gian rất lâu, và hoàn toàn không có điều gì để nghi ngờ về việc chúng tôi tiếp tục muốn thương thuyết để đạt được một giải pháp thông qua thương lượng đối với vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên dựa trên cơ sở của Thông cáo Chung năm 2005 của cuộc đàm phán 6 bên về lộ đồ cơ bản cho tiến trình phi hạt nhân hoá hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên bán đảo Triều Tiên."
Trong Thông cáo Chung 2005, Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ việc theo đuổi vũ khí hạt nhân, nhưng sau đó họ đã vi phạm thông cáo với 3 vụ thử nghiệm hạt nhân và nhiều vụ phóng phi đạn, khiến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc phải áp đạt các biện pháp chế tài.
Đặc sứ Seiler cho biết sự cố ý làm cho tình hình rối ren và thái độ ương ngạnh của Bắc Triều Tiên không làm cho Hoa Kỳ từ bỏ những nỗ lực để đạt mục tiêu phi hạt nhân hoá. Ông nói rằng ngoài việc mở rộng cánh cửa ngoại giao cho Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ muốn hợp tác chặt chẽ với hai đồng minh Nam Triều Tiên và Nhật Bản, và chủ động giao tiếp với Trung Quốc, là nước có những mục tiêu chung với Washington.
"Trung Quốc muốn có hoà bình và ổn định ở Đông Bắc Á. Chúng tôi cũng vậy. Trung Quốc muốn phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên như một nền tảng để thật sự có được hoà bình và ổn định lâu dài. Chúng tôi cũng vậy. Trung Quốc hiểu rõ những lợi ích kinh tế của một bán đảo Triều Tiên hoà bình và ổn định. Chúng tôi cũng vậy. Và Trung Quốc muốn Bắc Triều Tiên quay lại với một cuộc thương thuyết về phi hạt nhân hoá có tính chất khả tín và trung thực như một con đường để tiến tới những mục tiêu đó. Chúng tôi cũng vậy."
Ông Seiler cho biết ông tiếp tục lạc quan về triển vọng trong dài hạn của một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân vì quan hệ giữa Nam Triều Tiên và Trung Quốc được cải thiện.
Vị đặc sứ Mỹ nói rằng các trường hợp liên quan tới Cuba, Myanmar và Iran chứng tỏ sự sẵn lòng, linh hoạt và sáng tạo của Hoa Kỳ khi có được một đối tác đối thoại có thể tin cậy.
"Những người có thái độ hoài nghi có thể nói rằng vấn đề vẫn chưa ngã ngũ, nhưng dù thế nào đi nữa thì chúng tôi vẫn có 3 trường hợp, trong đó các nước đã đáp ứng đề nghị của chúng tôi khi chúng tôi chìa tay để bắt tay của những người đã thôi nắm chặt bàn tay như quả đấm."
Đặc sứ Seiler cho biết cộng đồng quốc tế đang trông đợi một sự thay đổi chính sách như vậy ở Bình Nhưỡng và sẽ có đáp ứng tích cực. Nhưng ông nói dường như Bình Nhưỡng chưa học được điều gì từ cuộc đàm phán Iran.
Ông Sung Yoon Lee, một chuyên gia về Triều Tiên của Đại học Tuft, cho rằng Bắc Triều Tiên không muốn từ bỏ kho vũ khí hạt nhân.
"Trong số những nước có vũ khí hạt nhân, có rất ít, nếu không muốn nói là không có nước nào có những ý định như vậy; và trong lịch sử, chỉ có 4 nước có vũ khí hạt nhân từ bỏ kho vũ khí của họ, và trong tất cả các trường hợp đó, đã có một sự thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo."
Bắc Triều Tiên là một triều đại đã ngự trị 6 thập niên nay và tôi có thể đoan chắc là Iran đã học được những bài học khi họ quan sát Bắc Triều Tiên trong 20 năm qua. Chúng ta cứ tán đồng một thoả thuận, chúng ta cứ cam kết phi hạt nhân hoá, và để đổi lại, chúng ta nhận được những sự nhượng bộ, chế tài được dỡ bỏ và có thêm viện trợ cùng với nhiều thứ khác; và sau đó chúng ta sẽ cố tình ngăn trở, làm cho thoả thuận bị đổ vỡ và sau đó chúng ta đòi hỏi những sự nhượng bộ mới, nhượng bộ nhiều hơn nữa, và thông thường là các cường quốc sẽ nhượng bộ.
Giáo sư Lee cho rằng ngay cả trong trường hợp cuộc đàm phán 6 bên được thực hiện lại, giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên vẫn có một nhu cầu rất lớn là phải duy trì kho vũ khí hạt nhân. Nếu không như vậy, họ sẽ đối mặt mối rủi ro là chế độ của họ rốt cuộc sẽ tan rã và “bị” Nam Triều Tiên thống nhất.