Đường dẫn truy cập

Tôi không thể nói chuyện với nhà tôi!


Tại một văn phòng bỏ phiếu bầu cử Mỹ.
Tại một văn phòng bỏ phiếu bầu cử Mỹ.

Một ông bạn than thở: “Tôi không thể nào nói chuyện với vợ tôi được!” Một bà cũng than, “Tôi không thể nói chuyện với ông chồng tôi nữa!”

Chuyện gì vậy?

Bầu cử!

Thử tưởng tượng những cảnh như vầy có đáng giận không:

Ông chồng bước vào nhà, bà vợ đang coi ti vi. Ông đứng lại, quay đầu, mở cửa đi ra. “Ủa, anh mới về lại đi đâu vậy? Ra ngoài hút thuốc hả?” “Lát anh sẽ vào. Anh không muốn nghe cái thằng đó nữa!”

Một bà vợ khác, nghe chồng gọi: “Em ơi! Ra coi nè! Người đông như kiến ấy!” Bà từ bếp đi ra, ngó cảnh người ta đi biểu tình, phán ngay: “Thì đúng là một lũ kiến rồi, đâu cần nói ‘giống-như’ nữa!” Chưa hả bụng, bà giải thích thêm: “Một lũ kiến không đầu óc, chỉ theo bản năng cắm đầu mà đi!”

Chúng tôi hy vọng quý vị không phải lâm vào những tấn kịch bi hài đó! Chắc sẽ phải tìm số thống kê coi trong những năm dân Mỹ đi bầu tổng thống thì các vụ ly thân, ly dị có tăng lên không, và tăng thêm bao nhiêu phần trăm. Nhưng có những cặp vợ chồng đang vui vẻ, đầm ấm bỗng dưng giận nhau thì năm nay chắc nhiều hơn các năm trước, kể cả năm 2016! Họ không đòi li dị, chỉ ngưng trò chuyện, hoặc né tránh, không muốn nhìn cái mặt nhau nữa.

Tôi có quen một cặp vợ chồng người Mỹ, tổ tiên đã từ Âu châu qua đây trên hai thế kỷ. Người con của họ kể với tôi: “Bố tôi bỏ phiếu cho một đảng. Mẹ tôi theo đảng khác. Hai cụ không bao giờ nói họ bầu cho ai. Nhưng tôi có thể đoán được.”

Gặp hai ông bà này thì thấy họ khác nhau. Một người là con nhà thợ thuyền, gốc Ái Nhĩ Lan, Công giáo; người kia gốc Đức, Tin Lành, gia đình làm chủ rất nhiều ruộng ở miền Trung Tây. Họ rất lịch thiệp, hòa nhã, vui vẻ. Họ đều tỏ vẻ kính trọng mọi người, kể cả bọn da vàng như tôi. Và họ đã sống với nhau hơn nửa thế kỷ, có cháu nội, cháu ngoại rồi!

Hai người có ý kiến chính trị hoàn toàn đối nghịch nhau. Làm cách nào họ giữ được hòa khí gia đình trong một năm bầu cử như năm 2020 này.

Trước hết, tránh nói chuyện chính trị. Đừng nghĩ rằng ai cũng nghĩ giống nhau, dù đã là vợ chồng ăn ở bên nhau mấy chục năm. Cha mẹ và con cái, anh chị em ruột thịt cũng vậy. Bà con xa hay nhà hàng xóm càng phải tránh. Không bao giờ bầy tỏ ý kiến chính trị của mình khi đã biết người kia có lập trường khác.

Làm cách nào tránh được? Nếu người kia cứ nhất định bầy tỏ ý kiến chính trị của họ, mà mình không đồng ý, thì nói thẳng rằng: “Chúng mình không cùng một ý kiến. Thôi đừng nói đến chuyện này.”

Chưa đủ? Có thể nói thêm: “Mình đừng phí thời giờ để tranh luận, cãi cọ nhau! Đời còn bao nhiêu chuyện để mình nói với nhau, sống với nhau vui vẻ hơn!” Và chuyển đề tài, nói về một chuyện cả hai cùng quan tâm: Chuyện các con học giỏi, chuyện các cháu bé kháu khỉnh dễ thương! Những bài nhạc hay, các món ăn khoái khẩu, chuyện từ thiện cùng làm, việc nhà chùa, nhà thờ, trồng hoa, nuôi chó, vân vân.

Nếu người kia vẫn không bỏ được thói quen nôn nóng bàn chuyện chính trị thì sao? Chỉ còn cách giữ im lặng. Im lặng mà không tỏ vẻ bực mình, không nhăn mặt, không cau có. Chờ cho người kia nguội bớt. Tìm một đề tài khác, thiết thực,nói một câu hòa nhã.

Nếu cảnh tượng này tái diễn mãi, đến lúc phải nói rõ ràng, “Chúng mình không đồng ý với nhau. Cứ chấp nhận như thế đi!” Nhưng phải nói rất ngắn, gọn. Tránh không lý luận, không nêu lý do tại sao. Tránh không để cho câu mình nói có giọng dậy khôn người khác. Nếu người kia nhất định yêu cầu phải “nói cho ra nhẽ” thì đành phải lắng nghe. Nghe nhiều tốt hơn nói nhiều. Lắng nghe, nghe chăm chú, trong im lặng, rồi chỉ lập lại một ý kiến: Chúng mình suy nghĩ khác nhau!

Nói thì dễ. Làm được như thế quả là khó.

Trước hết, chúng ta phải tự thuyết phục chính mình rằng: Rất khó, không cách nào thay đổi ý kiến chính trị của người khác. Bất cứ ai, kể cả người sống bên cạnh mình! Phải tập. Tập tự kiềm chế chính mình.

Dù mỗi người chúng ta có ý kiến rõ ràng tại sao mình ủng hộ một đảng hay một ứng cử viên, cũng đừng bao giờ nghĩ mình có thể thuyết phục người khác, giúp họ nghĩ giống như mình. Nếu xác suất có thể thuyết phục thành công là 60%; còn 40% không làm gì được, thỉ cũng không nên thử. Không bao giờ đem tình vợ chồng, tình mẹ con, tình bạn bè ra đánh cá, nhằm mục đích kiếm thêm một lá phiếu cho đảng mình ủng hộ! Dù có đến 90% hy vọng cũng không nên hy sinh như thế! Không bõ!

Nhiều người nghĩ rằng ai không nói thẳng ý kiến chính trị của mình ra là hèn nhát! Là yếu! Cho nên cần phải nói, phải nói hết ý của mình cho những người khác hiểu, phải soi đường chỉ lối cho họ. Nhưng nếu chúng ta cứ cố nói mãi, dù biết rằng không ích lợi gì, không lay chuyển được ý kiến ai cả, thì còn tệ hơn. Không biết phép lịch sự. Không kính trọng người khác.

Người lịch sự và biết tôn trọng quyền tự do trong một xã hội dân chủ thì không cố tâm “tuyên truyền” người thân của mình. Không dùng tình cảm lung lạc hay hay biện luận để ép cho người kia đuối lý phải chịu thua! Các cụ vẫn khuyên: Bất sử nhân tận tình! Bất sử nhân tận lý!

Cho nên, thà để bị mang tiếng là nhát, là yếu, còn hơn là tỏ ra mình không biết cách sống “hòa nhi bất đồng” của chế độ tự do dân chủ.

Ở đời còn nhiều chuyện quan trọng hơn chính trị. Khi mùa bầu cử đi qua, chúng ta vẫn sống, sống bên cạnh cha mẹ, con cái, vợ, chồng mình, và sống với nhau cho đến hết đời. Không nên để cuộc đời mình xáo trộn chỉ vì một chuyện sẽ qua rất mau! Chúc quý vị bình an và hạnh phúc!

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG