Hiện nay các cuộc nghiên cứu dư luận cho thấy số người dân ủng hộ ứng cử viên Joe Biden cao hơn Tổng thống Donald Trump khoảng 5%. Nhưng dù cứ dẫn trước đều đều, tới ngày bỏ phiếu không chắc ông Biden đắc thắng. Nếu chỉ hơn ông Trump 2 triệu phiếu thì chắc cựu Phó Tổng thống Biden sẽ thua. Dù ông Biden được 3 triệu phiếu hơn thì ông Trump vẫn còn cơ hội ngồi lại Tòa Bạch Ốc thêm bốn năm nữa. Năm 2016, bà Hillary Clinton được hơn ông Trump gần 3 triệu phiếu nhưng lại thua ông Trump ở ba tiểu bang nghiêng ngửa, Michigan, Wisconsin và Pennsylvania, mất tất cả 46 phiếu Cử Tri Đoàn, dù bà bị thua chưa tới 80,000 phiếu trong cả ba nơi. Chỉ khi nào hơn ông Trump được 7 triệu phiếu thì lúc đó ông Biden mới chắc ăn!
Ông Biden đặt hy vọng vào giới trẻ và các cử tri “thiểu số,” không phải da trắng. Nhưng hai lớp người này đã tập trung vào những tiểu bang mà đảng Dân chủ đang chiếm ưu thế rồi. Nghĩa là nếu ông Biden chiếm được thêm số phiếu đó cũng không giúp tăng thêm số phiếu trong Cử Tri Đoàn!
Ngược lại, ông Trump đang cố huy động các cử tri da trắng ở những vùng nông thôn đã bỏ phiếu cho ông năm 2016 nhưng không đi bầu năm 2018, khiến đảng Cộng Hòa mất quá nhiều ghế ở Hạ viện. Nếu lôi kéo được những người này quay trở lại thùng phiếu, thì ông Trump sẽ được lợi lớn, vì rất nhiều người trong số đó cư ngụ ở các tiểu bang “nghiêng ngửa.”
Hai ứng cử viên sẽ phải chiến thắng tại mấy tiểu bang “nghiêng ngửa;” đó là lý do họ đang dồn nỗ lực vận động ở Wisconsin và Pennsylvania.
Tại sao hiến pháp Mỹ không ấn định cho dân trực tiếp bầu tổng thống? Vì khi thành lập vào cuối thế kỷ 18 việc giao thông còn trắc trở, khó tổ chức một cuộc bỏ phiếu trên toàn quốc. Để cho mỗi tiểu bang bầu riêng, rồi sau một hai tháng đại biểu của họ họp thành Cử Tri Đoàn (Electoral College) bỏ phiếu, có vẻ tiện hơn. Thứ hai, lúc đó luật lệ mỗi tiểu bang cũng khác nhau, có nơi ai cũng có quyền bỏ phiếu, nơi khác lại đặt thêm điều kiện, như phải là người da trắng, hoặc phải có tài sản. Nếu mỗi người dân một lá phiếu để bầu tổng thống thì các tiểu bang nuôi nô lệ sẽ bị thiệt, vì người da đen không được bỏ phiếu.
Các tiểu bang miền Nam đòi số đại diện cao trong quốc hội vì dân số cao khi đếm cả những người nô lệ, mà nô lệ thì không phải là công dân. Sau cùng phe miền Bắc chấp nhận tính một nô lệ da đen bằng 3 phần tư một công dân da trắng; để các tiểu bang miền Nam có thêm đại biểu trong Hạ viện để được thêm phiếu trong Cử Tri Đoàn.
Sau hơn 200 năm, nhiều người Mỹ đã thấy lối bầu tổng thống qua Cử Tri Đoàn không hợp lý, nên thay đổi. Nhưng sửa hiến pháp khó quá, cần hai phần ba mỗi viện quốc hội thông qua, sau đó phải được ba phần tư các tiểu bang chấp nhận. Cho nên đã có một đề nghị để thay đổi mà không cần tu chính hiến pháp.
Một số tiểu bang đã cam kết với nhau trong một Thỏa thuận Phiếu Phổ thông Toàn quốc (National Popular Vote Interstate Compact). Theo đó, mỗi tiểu bang sẽ dành tất cả các phiếu Cử Tri Đoàn của mình cho ứng cử viên tổng thống nào chiếm đa số phiếu phổ thông trong cả nước; chứ không bỏ cho ứng cử viên thắng ở tiểu bang mình như trước nữa. Ý kiến này hợp với lòng dân, vì các cuộc nghiên cứu dư luận ở Mỹ cho thấy số người ủng hộ giải pháp này cao hơn số người chống, chênh lệch khoảng 18% số cử tri.
Nếu số tiểu bang ký kết trong thỏa thuận này cộng lại được hơn 270 phiếu Cử Tri Đoàn thì người được họ ủng hộ sẽ thành tổng thống. Tức là không cần phải xóa bỏ Cử Tri Đoàn nhưng nước Mỹ vẫn chọn vị tổng thống là người được đa số phiếu phổ thông trên toàn quốc.
Hiện nay đã có 15 tiểu bang và vùng thủ đô Washington D.C. ký kết vào Thỏa thuận. Vào tháng Hai năm nay, chỉ có 11 tiểu bang; sau đó thêm các tiểu bang và sau cùng là Nevada, nghị viện tiểu bang này đã thông qua ngày 12 tháng Tám, 2020. Đặc biệt là trong số 15 tiểu bang đi tiên phong này có 9 tiểu bang mà Tổng thống Trump đã thắng năm 2016. Đó là Arizona, Florida, Georgia, Idaho, Indiana, Kansas, North Carolina, Ohio và South Carolina.
Tổng cộng 15 tiểu bang đã quy tụ được 195 phiếu Cử Tri Đoàn, chỉ còn thiếu 75 phiếu nữa là có đủ 270 phiếu. Tìm thêm được một số tiểu bang cho đủ 270 phiếu cũng gian nan, nhưng cũng không khó bằng phải tu chính hiến pháp.
Nhưng Thỏa thuận ký kết giữa các tiểu bang như vậy có trái với hiến pháp Mỹ, có thể bị kiện tới Tối cao pháp viện và trở thành vô hiệu hay không?
Tối cao pháp viện Mỹ đã có câu trả lời.
Tối cao pháp viện Mỹ đã phán quyết trong vụ kiện Tiểu bang Washington, do ba người trong cử tri đoàn của tiểu bang khởi tố. Ba người đó, Peter Chiafalo, Levi Guerra, và Esther John, năm 2016 được tiểu bang cử làm Đại cử tri (Electors) đi bỏ phiếu trong Cử Tri Đoàn. Đáng lẽ phải bầu cho bà Clinton, vì bà đã thắng ở tiểu bang, thì ba người này lại bỏ phiếu cho ông Trump. Chính quyền Tiểu bang, vào năm 2019, đã phạt mỗi người $1,000 về tội làm trái với lời hứa khi được đề cử. Nhưng họ không đồng ý, và đâm đơn kiện, lấy lý do rằng mỗi Đại cử tri có quyền bỏ phiếu theo ý kiến của mình. Vụ kiện đi tới tòa tối cao của tiểu bang, và bị bác bỏ, cho nên đã lên tới Tối cao pháp viện liên bang.
Tối cao pháp viện Mỹ đã nghe vụ kiện (No. 19–465) ngày 13 tháng Năm và tới ngày 6 tháng Bẩy năm 2020, đã phán quyết cho Tòa tối cao của Tiểu bang Washington thắng.
Tối cao pháp viện Mỹ dựa vào Điều II, khoản §1 trong hiến pháp Mỹ nói rằng các Tiểu bang có quyền chỉ định làm Đại cử tri, và thẩm quyền này rất rộng rãi, cho nên “Quyền của tiểu bang khi chỉ định một Đại cử tri bao gồm cả quyền ấn định điều kiện trong việc chỉ định này.” Tức là tiểu bang có quyền đặt điều kiện rằng người được chỉ định đi dự Cử Tri Đoàn phải tôn trọng lựa chọn của đa số dân, do đó phải bỏ phiếu cho người thắng cử ở tiểu bang.
Tất cả các vị Thẩm phán trong Tối cao pháp viện đồng ý với phán quyết này, vì hiến pháp Mỹ đã viết rõ ràng. “Đây là quy tắc” như Thẩm phán Tối cao Elena Kagan nhận xét, “Người dân quyết định.”
Phán quyết kể trên mở đường cho các tiểu bang muốn ủng hộ giải pháp của Thỏa thuận Phiếu Phổ thông Toàn quốc (National Popular Vote Interstate Compact). Các tiểu bang có quyền yêu cầu những người đại diện tham dự Cử Tri Đoàn bỏ phiếu cho ứng cử viên nào mà tiểu bang thấy xứng đáng hơn.
Ngay từ đầu, khi lối bầu theo Cử Tri Đoàn được ghi vào hiến pháp, đã có người phản đối. Như chúng ta biết, điều gây rắc rối nhất là luật “ai thắng đâu được tất cả các phiếu Cử Tri Đoàn ở đó.” Quy tắc này sinh ra những điều phi lý. Thí dụ, ứng cử viên A hơn ứng cử viên B chỉ có 3,000 phiếu tại Califronia, vẫn được hưởng 55 phiếu của tiểu bang này trong Cử Tri Đoàn (winner-take-all). Trong khi đó ông B lại thắng bà A ở 10 tiểu bang nhỏ khác là Maine, Vermont, West Virginia, Mississippi, Montana, Arkansas, South Dakota, Kentucky, Alabama và North Dakota, mỗi nơi hơn 1,000 phiếu, tổng cộng 10,000 phiếu. Đến khi tính phiếu Cử Tri Đoàn, thì mười tiểu bang nhỏ cộng lại chỉ có 50 phiếu. Thế là bà A hơn ông B 5 phiếu Cử Tri Đoàn, dù thua ông B tới 7,000 phiếu phổ thông.
Một “quốc phụ” là ông Madison đã yêu cầu xóa bỏ điều luật “winner-take-all” này; nhưng tới nay vẫn chưa thay đổi được. Nếu có thêm một số tiểu bang tham dự vào bản Thỏa Thuận Phiếu Phổ thông Toàn quốc cho đủ 270 phiếu Cử Tri Đoàn thì nước Mỹ sẽ chấm dứt cảnh một người có thể đắc cử tổng thống Mỹ dù thua phiếu phổ thông trên toàn quốc.