Đe dọa hạt nhân của Triều Tiên bao trùm cuộc gặp hàng năm của các nhà lãnh đạo tại Liên hiệp quốc, New York, nơi các nhà ngoại giao nóng lòng muốn nghe bài diễn văn đầu tiên của Tổng thống Donald Trump trước 193 thành viên của Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Các nhà ngoại giao Triều Tiên sẽ được ngồi hàng đầu tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc để nghe bài diễn văn của Tổng thống Trump vào sáng ngày 19/9 đề cập đến cuộc khủng hoảng đang leo thang giữa bối cảnh Bình Nhưỡng và ông Trump đang ‘lời qua tiếng lại’ đe dọa sử dụng vũ lực.
Dù nghi ngờ về giá trị của các định chế quốc tế và đặc biệt là Liên hiệp quốc, ông Trump sẽ tìm sự ủng hộ áp đặt những biện pháp mạnh mẽ chống lại Triều Tiên, trong khi đưa ra thông điệp “Nước Mỹ trên hết” tại Liên hiệp quốc.
“Đây không phải là một vấn đề giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên. Đây là một vấn đề giữa thế giới và Triều Tiên,” cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, ông H.R. McMaster tuyên bố ngày 15/9.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres- nhậm chức vào tháng 1 năm nay như ông Trump-có kế hoạch gặp riêng “các bên liên quan” kể cả Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho, bên lề phiên họp lần thứ 72 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
“Chỉ có giải pháp chính trị. Hành động quân sự có thể gây nên những tàn phá ở mức độ phải mất nhiều thế hệ mới phục hồi được,” ông Guterres ngày 19/9 cảnh báo.
Cách đây một tuần lễ, 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhất trí chấp thuận nghị quyết chế tài lần thứ 9 kể từ năm 2006 về chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Triều Tiên.
Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley nói các chế tài Liên hiệp quốc đã cấm 90% mức xuất khẩu của quốc gia châu Á này. Bà tuyên bố hôm 15/9 rằng: “Đáp ứng như thế nào hoàn toàn tùy thuộc Triều Tiên.”
Bà Haley hôm 17/9 cho CNN biết Washington “đã gần như cạn kiệt”các phương án về Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an.
Thứ sáu tới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên sẽ đọc diễn văn tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc.