Đường dẫn truy cập

Trí thức


Trí thức
Trí thức

Tôi về lại Việt Nam lần đầu tiên vào khoảng giữa năm 1996 để thăm một số bạn bè tôi quen lúc còn ở các trại tỵ nạn ở Hồng Kông. Lúc ấy họ vừa bị cưỡng bức hồi hương về Việt Nam. Sau đó tôi được một công ty luật của Úc chuyển về Hà Nội làm việc cho văn phòng của họ ở Phố Chân Cầm nằm cạnh Hàng Bông không xa Hồ Gươm quá là bao.

Từ đó cho đến cuối năm 2008 tôi đã về Việt Nam rất nhiều lần. Khi đi chơi để thăm gia đình bên nội, ngoại. Lúc lại phải về để phỏng vấn các nhạc sĩ, ca sĩ, hoặc làm công việc chuyên môn về luật của mình cho công ty kiểm toán tư vấn Ernst & Young của Mỹ có văn phòng ở Sài Gòn.

Vì thế có thể nói tôi đã có dịp tiếp xúc với rất nhiều thành phần khác nhau trong xã hội hiện tại ở Việt Nam. Từ Sài Gòn ra đến Hà Nội. Đặc biệt là thành phần trí thức trẻ, có học, có đọc và vì vậy ít nhiều cũng hiểu biết đôi chút về hiện trạng đất nước và những quyền lợi căn bản mà chính họ cũng không được tận hưởng: quyền được tìm hiểu và tiếp cận với tất cả mọi thông tin, quyền được bày tỏ những ý kiến đối lập trên các phương tiện đại chúng, v.v…

Nhìn chung có thể nói hầu hết ai cũng phản đối những chính sách và hành động phản dân chủ của nhà nước Việt Nam. Ai cũng bực mình vì bị cấm không cho đọc, không cho phát biểu thẳng thắn những ý kiến của mình về những vấn đề hệ trọng của đất nước.

Nhưng nhìn chung tuyệt đại đa số thành phần trí thức hiện tại ở Việt Nam đều chỉ biết phản đối ngầm hoặc chia xẻ với các bạn bè thân thiết. Không những họ không chủ động tự đi tìm cho mình một giải pháp tốt đẹp hơn bất kể nhà nước có đồng ý hay không mà ngay cả đối với những ai họ cho là quá ‘bạo’, họ lại càng có vẻ e dè, ngại tiếp xúc. Những cái tên như Nguyễn Văn Đài, Lê Quốc Quân, hoặc Lê Công Định đều được nhắc đến một cách rất cẩn trọng và trong một tình trạng hoàn toàn… không thoải mái. Cho cả người nghe lẫn người nhắc!

Tôi thông cảm với điều này. Nếu tôi là họ tôi cũng chỉ có thể làm đến thế. Gia đình, việc làm, cuộc sống, v.v… tất cả đều sẽ bị ảnh hưởng rất sâu đậm và nặng nề một khi họ quyết định chuyển tư duy sang hành động. Không những chính họ sẽ bị trừng phạt mà ngay cả đối với những người thân ở gần họ cũng sẽ bị vạ lây.

Sự sợ hãi vì thế làm tê liệt mọi ý chí kháng cự.

Kể cả những vấn đề chẳng liên quan gì đến tự do, dân chủ cho Việt Nam.

Như việc trong những tháng gần đây có nhiều ngư dân Việt Nam bị Hải Quân Trung Quốc bắt giam vì họ bị cho là đã xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc ở khu vực Trường Sa, Hoàng Sa.

Như đã nói ở trên, tôi hiện vẫn còn quen khá nhiều người thuộc tầng lớp trí thức ở Việt Nam đặc biệt là các luật sư cùng trang lứa. Sau khi biết được những thông tin trên, trong thời gian qua tôi đã chủ động liên lạc với một số bạn bè luật sư ở Việt Nam với ý định hỏi thử xem trong nhóm có ai muốn cùng tôi lập hồ sơ để… kiện việc Trung Quốc bắt giam ngư dân Việt Nam trái phép hay không.

Tôi cần sự giúp đỡ của các luật sư từ trong nước vì ngoài vấn đề liên lạc với gia đình của các nạn nhân ngư dân ở các vùng sâu, vùng xa, tôi cũng không biết gì nhiều về luật hàng hải hoặc những tin tức chính thức từ trong nước về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Tôi chỉ nghĩ đơn giản nếu như chúng ta cùng chung sức làm việc thì chắc chắn chúng ta sẽ tìm được một giải pháp tốt đẹp như câu nói ‘when there’s a will, there’s a way’ trong tiếng Anh.

Tôi cũng nghĩ có thể đây là một việc tuy có phần hơi tế nhị trên phương diện ngoại giao giữa hai nước nhưng nó hoàn toàn không liên quan gì đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam và vì vậy sẽ có nhiều luật sư sẵn sàng cùng tôi hợp tác để giúp những gia đình ngư dân đang gặp cảnh tù tội.

Thế vậy mà tôi lầm đấy bạn ạ. Trong tất cả các thư email mà tôi gửi đi, tôi chẳng nhận được một hồi âm nào cho biết là họ khả dĩ có thể cùng tôi hợp tác. Người thì hoàn toàn ‘lơ’ đi chẳng đá động gì đến câu hỏi của tôi, người khác lại cho là việc làm này rất khó thực hiện. Hoặc thậm chí có người chẳng buồn trả lời email cho tôi mặc dù chúng tôi cũng đã quen thân từ mấy năm trước.

Có thể nói tôi không quá buồn vì những điều trên vì nếu so ra nó cũng không phải là một điều làm cho chúng ta hoàn toàn ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Cho là tôi thất vọng thì đúng hơn. Thực trạng của đất nước Việt Nam thì ra là vậy. Đã và đang có một thành phần trí thức lớn được hình thành. Nhưng họ chỉ được sử dụng trí mà hoàn toàn không được thức. Cho dù là thức đối với những vấn đề cơ bản nhất liên quan đến hai chữ Việt Nam.

Ai không đồng ý với tôi và sẵn lòng cùng hợp tác xin liên lạc thẳng với tôi qua email: hoitrinh@hotmail.com.

Chúc tất cả các bạn có một tuần đầy ý nghĩa.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...

Đường dẫn liên quan

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG