Đường dẫn truy cập

Rừng lá thấp


Rừng lá thấp
Rừng lá thấp

Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi
Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì
Tôi là người đi chinh chiến dài lâu
Nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu…

Không hiểu sao mặc dù tôi lớn lên sau chiến tranh nhưng cứ mỗi khi tôi nghe những bài hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh như bài Rừng Lá Thấp ở trên thì tôi lại cứ liên tưởng đến chiến tranh Việt Nam và những hình ảnh của thành phố Sài Gòn trước năm 1975. Mặc dù trong trí nhớ mình không hề có tí kỷ niệm nào về những ngày ấy.

Chắc có lẽ quãng thời gian ấy đẹp lắm. Nên thơ lắm. Nhưng cũng rất bi thương và không thể nào quên được trong trí nhớ của nhiều người. Nhất là những người thuộc thế hệ của ba mẹ tôi, những người như nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã đi qua cuộc chiến suốt cuộc đời trai trẻ.

Và có nhiều người sau đó đã mất hết. Mất nhà cửa, mất của cải, mất người thân và mất cả quê hương. Cũng có thể vì thế mà sau một thời gian bắt đầu lại từ đầu ở quê hương thứ hai, có thời gian để nhìn lại quãng đường họ vừa đi qua và trong tiếng nhạc, lời ca của những ngày trước năm 1975, họ đã tìm lại được duy nhất một điều mà họ chưa bao giờ đánh mất.

Kỷ niệm.

Kỷ niệm của một thời chinh chiến. Một thời trai trẻ, nhiều lúc buộc phải yêu cuồng sống vội vì không biết ngày sau sẽ ra sao.

Nếu như tôi đây trong tâm trí chưa bao giờ có một kỷ niệm về quãng thời gian này mà đã cảm thấy bùi ngùi, xúc động mỗi khi nghe những dòng nhạc này cất lên thì thử hỏi những người đã từng nghe đi nghe lại nhạc phẩm này nhiều lần trong những lúc dầu sôi lửa bỏng nhất thì họ sẽ cảm thấy thế nào, lòng se sắt đến bao nhiêu?

Nhiều người trẻ thường bảo: let’s forgive and forget. Chúng ta hãy tha thứ và cố quên đi dĩ vãng. Nhưng thử hỏi nếu thế hệ chúng ta cũng phải trải qua từng ngần ấy câu chuyện mất mát, đổi đời thì chúng ta có dể dàng ‘forget’ được không?

Chắc chắn là không. Vì tôi thấy trên đời này nói thì rất dễ nhưng làm chưa chắc đã bằng ai. Như câu nói tiếng Anh mà tôi thường nghe: talk is cheap! Thật sự sẳn sàng tha thứ đã là một việc khó thực hiện nói chi đến việc phải cố quên đi những kỷ niệm đã từ lâu in sâu vào tâm khảm vì cái chết luôn ở gần kề.

Cũng có thể vì thế mà từ bấy lâu nay những bài hát tiêu biểu cho một thời khói lửa của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh hay của nhạc sĩ Phạm Duy luôn được yêu chuộng. Trung Tâm nào cũng thu băng. Ca sĩ nào cũng cất cao giọng hát. Từ Trả Lại Em Yêu, Kỷ Vật Cho Em cho đến Người Ở Lại Charlie, Chuyến Đi Về Sáng, Chiều Trên Phá Tam Giang hay Rừng Lá Thấp. Không phải ngẫu nhiên mà cách đây vài năm trước một trong những cuốn băng bán chạy nhất của Trung Tâm Asia là DVD số 50 mang chủ đề “Anh Không Chết Đâu Anh” để vinh danh cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh và cũng là ca sĩ Nhật Trường.

Nhạc của ông buồn nhưng không ủy mị. Đậm đà, lãng mạn nhưng không sến. Cũng có thể nhờ vậy mà cho đến thế hệ của tôi có rất nhiều người vẫn còn thích nghe và hát nhạc của ông. Cũng may là ở hải ngoại chúng ta không có màn kiểm duyệt như ở Việt Nam, nơi hầu hết những bài tình ca của ông đều bị cấm lưu truyền và trình diễn. Chứ nếu không chắc chắn đó sẽ là một trong những mất mát lớn nhất về di sản văn hóa của Miền Nam Việt Nam trong hai thập niên 1955 – 1975.

Tôi chỉ tiếc là với lời hát trong nhạc phẩm Rừng Lá Thấp “Tôi là người vui chinh chiến dài lâu, nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu” đã cho ta thấy những mất mát của những người ở thế hệ ông vào thời đó thì cho đến mộng ước cuối cùng trong đời ông là có được một tấm thẻ xanh để có thể dể dàng di chuyển từ Đông sang Tây cũng không thể thực hiện được.

Lúc sống chẳng những nhiều mộng ước đã bị chìm sâu. Mà nay chết đi rồi ngay trên đất nước mình chính dân tộc, đồng bào mình cũng không được hát ca, chia sẻ. Thử hỏi nếu bạn là ông bạn có thể forget được không?

Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG