Đường dẫn truy cập

Bản sắc


Tiền vệ Landon Donovan cầm cờ Mỹ sau trận đấu với đội Algeria tại sân vận động Loftus Verfeld ở Tshwane/Pretoria. Hoa Kỳ đã thắng trận này với tỉ số 1-0, ngày 23 tháng 6, 2010
Tiền vệ Landon Donovan cầm cờ Mỹ sau trận đấu với đội Algeria tại sân vận động Loftus Verfeld ở Tshwane/Pretoria. Hoa Kỳ đã thắng trận này với tỉ số 1-0, ngày 23 tháng 6, 2010

Như mọi người, mấy hôm nay hầu như sáng, trưa nào tôi cũng xem giải World Cup. Mặc dù từ nhỏ tôi đã không phải là một thằng luôn chết mê chết mệt vì nó. Tôi thích bóng đá đơn giản vì nó là một trò chơi thể thao, một trong những bộ môn thể thao mà tôi thích. Cũng như tennis hoặc bơi lội hoặc bóng rổ mà từ hôm sang Mỹ đến giờ tôi cảm thấy ngày mình càng thích hơn.

Nhưng có xem những trận tranh tài nảy lửa vừa qua tôi mới thấy rõ là mình đã bị…mất gốc! Vì khi xem Úc đá với Đức vào cuối tuần trước, tôi đã ủng hộ Úc. Nhưng sang đến trận Mỹ v. Algeria thì tôi lại ủng hộ Mỹ. Có nghĩa là tôi ủng hộ cả hai đội. Ai thắng tôi cũng vui.

Nhưng giả sử Úc lọt vào được vòng hai và phải thi đấu với Mỹ thì tôi sẽ chọn ai? Hoặc nếu muốn làm khó mình hơn một tí, nếu như Việt Nam trong tương lai lọt vào được World Cup (biết đến khi nào bạn nhỉ?) và phải thi đấu với Mỹ hoặc Úc thì tôi sẽ ủng hộ đội nào?

Thế mới bảo tôi đã hơi bị…mất gốc.

Chắc là tôi sẽ ủng hộ đội Việt Nam. Một phần vì tôi nghĩ tôi thuộc “típ” người thích ủng hộ những ai bị cho là dưới cơ – the underdog. Nhưng phần lớn tôi nghĩ cho dù tôi có đi đâu xa cách mấy, trưởng thành ở đất nước nào thì cái gốc, cội nguồn nguyên thủy của tôi vẫn là đất nước Việt Nam muôn thuở. Có thể hiện tại tôi đang làm việc ở Phi Châu, định cư ở Mỹ, và đã trưởng thành ở Úc nhưng suy cho cùng Việt Nam mới là nơi mà tôi luôn có cảm giác khác lạ, đặc biệt nhất mỗi khi có dịp đặt chân trở về.

Mà thật ra có bao giờ cần chờ cho đến lúc phải đặt chân được xuống đất đâu. Chỉ cần ngồi trên máy bay nhìn xuống thành phố Sài Gòn, nhìn những mái tôn, mái ngói lụp xụp đủ màu nằm ngổn ngang ở bên dưới lúc máy bay sắp đáp xuống là lòng mình đã cảm thấy bồi hồi, xúc động. Nó không hẳn là một cảm giác tự hào dân tộc như một số người miêu tả mà là một cái gì đó rất gần gũi, rất sâu đậm mà bấy lâu nay tưởng chừng như đã bị bỏ quên ở một xó nào đó trong trí nhớ nay bỗng nhiên có dịp trào ra không có gì ngăn cản được. Tôi thường có cảm giác này mỗi khi bước vào sân nhà của ba mẹ tôi ở Úc lúc vừa từ phi trường về, lần nào cũng thế, mặc dù đã gần 15 năm trôi qua kể từ ngày tôi quyết định bỏ nhà đi xa.

Nhưng tôi cũng biết không phải ai cũng sẽ có cảm giác như tôi. Thế hệ tôi khác. Ba mẹ tôi khác và sau này con cái tôi cũng sẽ khác. Vì hình như ngoài những yếu tố khách quan thường lệ như nơi sinh, gốc gác, thời gian, v.v… tính tình và nhân sinh quan của mỗi người xem ra cũng rất quan trọng trong việc tự đánh giá và đi tìm một bản sắc, an identity, cho riêng mình. Không phải ai ở ngoại quốc lâu cũng sẽ cảm thấy mình là người của quốc gia đó. Và ngược lại.

Thật cũng may là cho đến hôm nay cả Mỹ lẫn Úc đều đã bị loại. Chứ nếu không thì tôi thật cũng chẳng biết mình sẽ ủng hộ đội nào.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...
XS
SM
MD
LG