Đường dẫn truy cập

Tranh luận về tương lai của Australia trong Thế Kỷ Châu Á


Về mặt địa-chính-trị, một nước Châu Úc như Australia tọa lạc tại Vùng Châu Á Thái Bình Dương đang và sẽ phải đối diện với nhiều thử thách.
Về mặt địa-chính-trị, một nước Châu Úc như Australia tọa lạc tại Vùng Châu Á Thái Bình Dương đang và sẽ phải đối diện với nhiều thử thách.
Tranh luận tại Australia trở nên sôi nổi về tương lai của nước này trong Thế Kỷ Châu Á, trước khi Quyển ‘Bạch Thư về Thế Kỷ Châu Á’ (Australia in the Asian Century White Paper) dự trù được Canberra phổ biến trong tháng 10 năm nay 2012.

Đây sẽ là một tài liệu quan trọng nhằm đánh giá vai trò và thảo luận chính sách thích hợp cho một cường quốc bậc trung như Australia để Australia có thể tiếp tục phát triển và đóng góp vào sự ổn định của Vùng Châu Á - Thái Bình Dương mà cường quốc số 1 là Hoa Kỳ và cường quốc số 2 đang lên là Trung Quốc đang cạnh tranh lãnh đạo.

Tuy rằng ‘Bạch Thư về Thế Kỷ Châu Á’ tập trung vào nhiều lĩnh vực mà trọng điểm là phát triển kinh tế và duy trì an ninh, Australia dự trù sẽ phổ biến một Sách Trắng về Quốc Phòng (Defence White Paper) vào đầu năm 2013, để sửa đổi và bổ túc cho Bạch Thư Quốc Phòng mà cựu thủ tướng Kevin Rudd đã phổ biến hồi tháng 5 năm 2009. Trong Bạch Thư năm 2009, Australia phóng tầm nhìn đến thập niên 2030 và coi mối đe dọa cho Australia có thể phát xuất từ Bắc Kinh mặc dù Trung Quốc không hề được nêu đích danh.

Trưởng Ban Nghiên Cứu và Soạn Thảo ‘Bạch Thư Thế Kỷ Châu Á’ là Tiến sĩ Ken Henry, một chuyên gia kinh tế có tiếng của Australia và đã từng đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký Bộ Ngân Khố Liên Bang tại Canberra. Tiến sĩ Ken Henry nhận định tổng quát tại sao Canberra cần phải duyệt xét khả năng và cơ hội để Australia không bị thoái hóa:

"Lịch sử chưa từng có một sự biến đổi kinh tế nhanh chóng và rộng lớn như hiện nay. Sự trỗi dậy của Châu Á đã thực sự thay đổi cả thế giới”.

Ít nhất là trong hai thập niên vừa qua, Australia đã tiếp tục phát triển mạnh mẽ là nhờ vào sự bộc phát của kỹ nghệ hầm mỏ [mining boom]. Australia đã không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc khủng hoảng tài chánh năm 1997 tại Châu Á, và đã vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu (GFC) năm 2008-2010 phần lớn là do những nước đang phát triển tại Châu Á Thái Bình Dương – cá biệt là Trung Quốc và Ấn Độ – cần nguyên liệu từ Australia.

Hiện nay, vì mức độ phát triển của Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu giảm sút, Australia không thể tiếp tục dựa vào kỹ nghệ khoáng sản như trước đây, nên phải tìm cách đa dạng hóa nền ngoại thương. Bởi vậy, giới quan sát dự đoán rằng Bạch Thư về Thế Kỷ Châu Á sẽ thảo luận nhiều về các ngành công nghệ điền thế, đặc biệt là các ngành dịch vụ (services industry) mà Australia có tiếng là đạt tiêu chuẩn cao, chẳng hạn như các ngành giáo dục quốc tế, tài chính ngân hàng, xây dựng và du lịch v…v

Theo dữ kiện thống kê, hiện nay, trong khi kỹ nghệ hầm mỏ chỉ sử dụng 7% nhân lực lao động, thì các ngành kỹ nghệ dịch vụ sử dụng đến 80% nhân công Úc Châu.
Thế nhưng, một trong các điểm then chốt để sự chuyển đổi kinh tế này thành công là Australia phải thay đổi tầm nhìn về Châu Á, gia tăng học hỏi các ngôn ngữ và văn hóa Châu Á – một lãnh vực mà Australia đã không thành công từ thập niên 1970 đến nay. Thí dụ như chỉ số học sinh, sinh viên chính mạch theo học tiếng Bahasa Indonesia giảm sút trầm trọng, trong khi sĩ số theo học tiếng Quan Thoại trong cộng đồng chính mạch cũng đã giảm 95%.

Cựu thủ tướng Australia Kevin Rudd, một trong số rất ít chính trị gia phương Tây nói thông thạo tiếng Quan Thoại, coi khả năng hiểu biết Châu Á – đặc biệt là hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa - là yếu tố thành công trong Thế Kỷ Châu Á.

Ông Kevin Rudd cũng đánh giá cao về tương lai của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo mới sẽ xảy ra vào giữa tháng 11 năm nay, mà người ta dự trù là sẽ do êkip Tập Cận Bình / Lý Khắc Cường lãnh đạo trong vai trò Chủ tịch / Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Thủ tướng chính phủ. Tất nhiên, sự thành công hay thất bại của Thế Kỷ Châu Á tuy thuộc phần lớn vào mức độ hợp tác và tranh đua giữa Washington và Bắc Kinh.

Về mặt địa-chính-trị, một nước Châu Úc như Australia tọa lạc tại Vùng Châu Á Thái Bình Dương đang và sẽ phải đối diện với nhiều thử thách. Một vài chuyên gia Úc như Giáo sư Hugh White chủ trương rằng Australia nên phát triển bang giao chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Ấn Độ thay vì tiếp tục hợp tác quân sự chặt chẽ với Mỹ như hiện nay. Tại Australia, lập luận của giáo sư Hugh White phản ảnh quan điểm thiểu số.
Nhưng gần đây, hệ thống truyền thông quốc ngoại Australia Network của Úc cũng đặt vấn đề với một số chuyên gia nước ngoài.

Theo Giáo sư Kishore Mahbubani, cựu Đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc và cựu Chủ tịch Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, việc Hoa kỳ và Trung Quốc tranh đua nhau trong vùng Châu Á Thái Bình Dương là chuyện bình thường. Ông nói:

"Chúng ta có cuộc tranh đua giữa hai đại cường - siêu cường thế giới là Mỹ và cường quốc đang lên là Trung Quốc. Không thể nào tránh khỏi là cường quốc nầy sẽ tận dụng và khai thác lầm lỗi của đại cường kia. Trung Quốc đã tận dụng lỗi lầm của Mỹ khi Mỹ xâm lăng Iraq và Mỹ đang tận dụng lỗi lầm mà Trung Quốc đã làm trong cuộc tranh chấp Biển Đông.”

Và trong môi trường mới này của Thế Kỷ Châu Á, Giáo sư Mahbubani, đương kiêm Viện trưởng Học Viện Lý Quang Diệu về Chính Sách Quốc Tế, cũng khuyên Australia nên phát triển bang giao chặt chẽ hơn với Châu Á, đặc biệt là với tổ chức ASEAN:

"Trong môi trường mới này, Úc nên tái-định-hướng chính sách ngoại giao và trở nên gần gũi hơn với các quốc gia láng giềng, với tổ chức Asean, và giảm bớt quan tâm với Nhóm G-20… vì mức độ và chiều sâu thân cận với các quốc gia láng giềng Asean sẽ quyết định tương lai của Australia.”

Trong khi đó, một tác giả khác, Ông Martin Jacques, trong tác phẩm bàn về tương lai thế giới dưới sự lãnh đạo của Bắc Kinh (‘When China Rules The World’), đã nêu lên các lập luận bênh vực Trung Quốc như là một quốc gia hiếu hòa có một nền văn minh cổ và có thể đem lại nhiều điều tốt cho Thế Kỷ Châu Á.

Theo Ông Martin Jacques, trong lịch sử, Trung Quốc đã không theo đuổi chính sách bành trướng như các quốc gia phương Tây trong thời kỳ Thuộc địa. Tuy vậy, Ông cũng phải nhìn nhận rằng cuộc tranh chấp Biển Đông với Việt nam là một “ngoại lệ lịch sử”:

"Có 10 quốc gia trong tổ chức ASEAN và hai nước có lập trường mạnh mẽ trong cuộc tranh chấp Biển Đông là Philippines và Việt nam. Tất nhiên Việt Nam là một đối thủ lâu đời của Trung Quốc với tranh chấp kéo dài cả ngàn năm. Nhưng Philippines thì chỉ là một ‘đàn em’ của Mỹ, thi hành chính sách của Mỹ.”

Trong Thế Kỷ Châu Á, người ta thường đề cập đến cuộc tranh đua giữa Mỹ và Trung Quốc. Đôi khi Ấn Độ không được nhắc đến hoặc không được đánh giá đúng mức về vai trò quan trọng của cường quốc dân chủ đông dân nhất thế giới. Thủ tướng Úc Julia Gillard dự trù sẽ công du Ấn Độ trong tháng 10 nầy, trước khi “Bạch Thư về Thế Kỷ Châu Á” được phổ biến.

Ngọc Hân tường trình từ Sydney Australia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG