Đường dẫn truy cập

Thủ tướng Gillard vận động ráo riết tại New York


Thủ tướng Australia Julia Gillard.
Thủ tướng Australia Julia Gillard.
Thủ tướng Gillard vận động ráo riết tại New York để Australia có thể đắc cử vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, nhưng chính trị quốc nội phân tán có thể làm suy yếu cơ hội năm 2013.

Tuần qua, Thủ tướng Julia Gillard đã dành nhiều thì giờ và nỗ lực tại New York để vận động cho Australia được đắc cử vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, với tư cách là một hội viên không thường trực trong nhiệm kỳ hai năm 2013-14.

Đây là lần đầu tiên mà bà Julia Gillard, với tư cách Thủ tướng Australia, đã có mặt tham dự và đọc diễn văn trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực chính của Thủ tướng Úc là vận động với các vị nguyên thủ quốc gia có mặt để nâng cao hi vọng Australia có thể, một lần nữa, trở thành Hội Viên không Thường Trực của Hội Đồng Bảo An.

Với tư cách là hội viên sáng lập, Australia đã nhiều lần giữ vai trò quan trọng tại Liên Hiệp Quốc, kể cả chức vụ Chủ tịch Đại Hội Đồng cũng như đã 4 lần làm thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An. Lần sau cùng mà Australia có mặt tại Hội Đồng Bảo An là vào năm 1985. Lần sau cùng mà Australia đã nỗ lực vận động tranh cử nhưng đã không thành công là vào năm 1996, khi Liên Đảng Tự Do – Quốc Gia do Ông John Howard làm lãnh tụ – mới nắm chính quyền được 6 tháng.

Vào năm 2005, trái với ý muốn của Ngoại trưởng Alexander Downer, chính phủ Howard đã quyết định không tranh cử vào Hội Đồng Bảo An vì lý do tổn phí vận động và có lẽ quan trọng hơn, là cuộc vận động tranh cử vào Hội Đồng Bảo An có khả năng ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao, an ninh quốc phòng mà Australia muốn theo đuổi.

Khi Đảng Lao Động thắng cử vào năm 2007, Thủ tướng Kevin Rudd loan báo quyết định của chính phủ mới:

"Úc sẽ tranh cử vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho nhiệm kỳ 2013-2014…to the UN Security Council for 2013-14.”

Quyết định này phù hợp với chính sách ngoại giao mới của Đảng Lao Động cầm quyền là tích cực theo đuổi một nền ngoại giao đa phương. Tất nhiên, Liên Hiệp Quốc là diễn đàn chính trên toàn cầu và tại Liên Hiệp Quốc, Hội Đồng Bảo An là cơ quan tối cao có thẩm quyền quyết định chiến tranh hay hòa bình bằng cách cho phép hoặc không cho phép can thiệp quân sự.

Thí dụ Hội Đồng Bảo An đã quyết nghị cho phép can thiệp quân sự tại Cam-bốt, tại Đông Timor, tại Afghanistan và tại cuộc chiến Iraq lần thứ nhất dưới thời Tổng Thống George H Bush, tức là Tổng Thống George Bush cha, nhưng không cho phép cuộc chiến Iraq lần thứ nhì dưới thời Tổng thống George W Bush, tức là Tổng thống George Bush con.

Gần đây hơn, Hội Đồng Bảo An đã đồng ý cho Tổ chức NATO can thiệp quân sự tại Libya dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài El-Qadhafi. Liên Bang Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng trong dịp nầy. Nhưng Moscow và Bắc Kinh lại không tán thành biện pháp can thiệp tại Syria, vì Liên Bang Nga và Trung Quốc tiếp tục ủng hộ chế độ độc tài của Tổng thống Bashar al-Assad.

Hội Đồng Bảo An gồm 5 Hội viên Thường Trực – là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc với quyền phủ quyết - và 10 hội viên không thường trực phục vụ nhiệm kỳ 2 năm và do Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bầu với đa số 2/3 hội viên. Hiện nay, Liên Hiệp Quốc có 193 hội viên, nên một quốc gia ứng cử viên phải đạt được ít nhất là 128 phiếu thì mới đắc cử vào Hội Đồng Bảo An.

Australia thuộc Nhóm ‘Tây Âu và các Nước khác' và trong cuộc tranh cử lần nầy, có 3 quốc gia của Nhóm này tranh nhau 2 chỗ là Finland, Luxembourg và Australia. Luxemburg đã bắt đầu tiến trình vận động từ năm 2001, còn Finland là vào năm 2002 so với Australia vào năm 2008.

Để ‘đốt giai đoạn’, Australia đã phải vận động ráo riết với Khối Quốc Gia Châu Phi và Nhóm Đảo Quốc Nam Thái Bình Dương, bằng cách gia tăng viện trợ phát triển và thăm viếng cấp cao.

Tại New York, Thủ tướng Julia Gillard đã nêu cao ‘thành tích’ của Australia với tư cách là một hội viên của Liên Hiệp Quốc và với tư cách là một quốc gia văn hóa đa nguyên có khả năng ‘bắc cầu’ giữa những quốc gia công nghệ tân tiến và những nước đang phát triển.

Bà Julia Gillard nói: "Lý tưởng mà Australia theo đuổi trên thế giới là lý tưởng của Liên Hiệp Quốc. Australia am hiểu giá trị thực tế của những công trình Liên Hiệp Quốc. Đó là lý do mà Australia muốn phục vụ Liên Hiệp Quốc và Hội Đồng Bảo An."

Trong khi Finland và Luxembourg được toàn Khối Châu Âu yểm trợ mạnh mẽ, thì Australia không được hậu thuẫn của một khối nào rõ rệt, nên phải tìm sự ủng hộ của nhiều nước từ nhiều vùng khác nhau.

Bà Julia Gillard phát biểu tiếp: "Chúng tôi là một quốc gia trong Vùng Châu Á Thái Bình Dương, là nước láng giềng của nhiều quốc gia đang phát triển, nên có tầm nhìn từ phía những quốc gia đã phát triển cũng như từ quan điểm của những quốc gia đang phát triển. Chúng tôi là quốc gia có truyền thống hàng chục năm với khả năng và cam kết thực thi những công trình của Liên Hiệp Quốc."

Ngoại trưởng Úc, Nghị sĩ Bob Carr cũng có mặt tại New York để phụ tá Thủ tướng Gillard và tiếp tục cuộc vận động. Tuy nhiên, chính phủ Australia đã phải chuẩn bị công luận nếu cuộc vận động này không đem lại kết quả - và đã ám chỉ rằng sự chống đối của Liên đảng đối lập có thể làm suy yếu cơ may của Australia.

Về phần đối lập, Lãnh tụ Tony Abbott theo đuổi lập trường của chính phủ Howard tiền nhiệm với lập luận rằng tổn phí quá cao và cuộc vận động tranh cử ‘ràng buộc’ chính sách ngoại giao của Australia, nhất là trong vấn đề Trung Đông. Ông Tony Abbott nhận xét:

"Nếu tất cả các yếu tố khác đều như nhau, thì Australia nên có chân trong Hội Đồng Bảo An hơn là đứng bên ngoài. Nhưng không thể nói là trên 40 triệu đô la mà chính phủ đã chi tiêu cho công tác nầy là chính đáng để đạt được một huy chương đồng tại Liên Hiệp Quốc.”

Tại Úc, giới chuyên gia phân tích thời sự và các học giả về bang giao quốc tế cũng không thuần nhất trong việc đánh giá cơ may của Australia và lợi ích mà chi phí trên 40 triệu đô la có thể đem lại. Chính Thủ tướng Gillard cũng chỉ phát biểu hi vọng: "Kết quả sẽ vô cùng khít khao, nên chúng ta phải có mặt để vận động.”

Australia sẽ bị mất uy tín nếu bị một nước nhỏ như Luxembourg đánh bại tại Liên Hiệp Quốc. Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sẽ biểu quyết việc này vào ngày 18 tháng 10 sắp tới.

Thế nhưng, so với Australia, Việt Nam đã đi quá chậm về nhiều phương diện tại Liên Hiệp Quốc. Vào đầu thập niên 1950, Việt Nam với Thủ đô là Sài Gòn, đã 2 lần xin gia nhập Liên Hiệp Quốc, nhưng cả hai lần đều bị Liên Xô phủ quyết. Lúc bấy giờ, Trung Hoa Dân Quốc là một đồng minh. Chỉ sau khi Hoa Kỳ công nhận Bắc Kinh, thì Hoa Lục mới thay thế Trung Hoa Dân Quốc trong vai trò Hội viên Thường Trực.

Sau năm 1975, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mà Thủ đô là Hà Nội, được thu nhận làm Hội Viên Liên Hiệp Quốc và đã phục vụ nhiệm kỳ đầu tiên với tư cách hội viên không thường trực tại Hội Đồng Bảo An hồi năm 2009-2010. Lúc bấy giờ, Australia đã ủng hộ tư cách ứng cử viên của Việt nam.

Nhìn từ quan điểm địa-chính-trị, sự đắc cử của Australia vào Hội Đồng Bảo An sẽ tốt cho Việt Nam hơn là Luxembourg, vì Australia quan tâm đến nhiều vấn đề trong khu vực, kể cả vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Ngọc Hân tường trình từ Sydney Australia.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG