Đường dẫn truy cập

Trần Huỳnh Duy Thức và ai cần ‘khoan hồng, nhân đạo’?


Ông Trần Huỳnh Duy Thức ngày 20 tháng Giêng, 2010 tại phiên toà ở Sài Gòn. Lúc đó ông Thức 43 tuổi. Ông Thức vừa ra tù, ở tuổi 58.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức ngày 20 tháng Giêng, 2010 tại phiên toà ở Sài Gòn. Lúc đó ông Thức 43 tuổi. Ông Thức vừa ra tù, ở tuổi 58.

Chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa “đặc xá” cho hai tù nhân lương tâm (cách gọi những cá nhân bị tống giam chỉ vì hành động theo lương tâm nhưng phi bạo lực): Bà Hoàng Thị Minh Hồng và ông Trần Huỳnh Duy Thức.

Trước mắt, chỉ xin bàn vài điều liên quan đến riêng ông Thức. Trần Huỳnh Duy Thức, 58 tuổi, từng là một doanh nhân thành đạt nhờ biết cách ứng dụng kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin để lắp ráp, cung cấp máy tính cá nhân ngay từ đầu thập niên 1990 (thương hiệu EIS), đến đầu thập niên 2000 là dịch vụ viễn thông ứng dụng công nghệ digital (One Connection). One Connection của ông Thức đã từng vói tay sang cả Singapore (One Connection Singapore) lẫn Mỹ (One Connection USA).

Tháng 5/2009, ông Thức bị bắt với cáo buộc “trộm cước viễn thông” nhưng đó không phải là lý do thực. Sau đó vài tháng, ông Thức bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, phải ra tòa cùng với các ông Lê Thăng Long, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung vì đã thành lập một nhóm nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy cải cách chính trị - kinh tế - xã hội Việt Nam. Tháng 1/2010, tất cả cùng bị phạt tù, riêng ông Thức bị phạt 16 năm tù và bị tịch thu một phần tài sản.

Việc tống giam – phạt tù ông Thức và những người cùng chí hướng đã khiến chính quyền Việt Nam bị chỉ trích mạnh mẽ ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đã vài lần muốn tống xuất Trần Huỳnh Duy Thức sang Mỹ nhưng ông từ chối! Thế rồi đột nhiên ông Thức được “đặc xá” vào ngày 20/9/2024, được trả tự do trước khi thi hành xong bản án 16 năm tù (5/2009 – 5/2024) tám tháng, bất kể có những bằng chứng rõ ràng cho thấy Trần Huỳnh Duy Thức không cần “khoan hồng” hay “nhân đạo”...

***

Tháng 11/2018, Quốc hội khóa 14 của Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua Luật Đặc xá mới, thay thế cho Luật Đặc xá đã được ban hành năm 2007. Theo Khoản 1, Điều 12 của luật này thì Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam không được phép “đặc xá” cho ông Thức vì ông là phạm nhân, bị kết án do “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân[1]. Nếu cứ làm như không hề có Điều 12 trong Luật Đặc xá hiện hành thì ông Thức cũng không hội đủ các điều kiện đã được đặt định để được đặc xá!

Chẳng hạn có những bằng chứng rõ ràng cho thấy Trần Huỳnh Duy Thức không nằm trong diện “có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự” như Luật Đặc xá quy định tại Khoản 1, Điều 11. Ví dụ, trong thời gian thi hành hình phạt tù, ông Thức nhiều lần tuyệt thực để phản đối việc tống xuất ông sang Mỹ (tháng 5/2016), hay để phản đối việc hệ thống trại giam gây sức ép nhằm buộc ông nhận tội nhằm tạo điều kiện cho “chính quyền nhân dân” thực thi “đặc xá” (tháng 8/2018), hoặc để đòi hệ thống tòa án phải thực thi quy định của Bộ Luật Hình sự hiện hành, trả tự do cho ông ngay lập tức vì mức án mới cho tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” ở giai đoạn “chuẩn bị phạm tội” chỉ có năm năm (tháng 10/2020)... Chưa kể mỗi khi được gặp hoặc có dịp trò chuyện với thân nhân, Trần Huỳnh Duy Thức còn gửi các thông điệp mà cứ đọc ắt sẽ thấy hoang mang về ý nghĩa của đòi hỏi... “có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt [2]!

Đặc biệt là chỉ vài giờ sau khi được trả tự do, trên trang Facebook Trần Huỳnh Duy Thức, những người quan tâm đến ông đều có thể đọc được thông tin được cho là do chính ông cung cấp. Theo đó ông Thức đã bị “cưỡng bức” hưởng “đặc xá”...

Ngày 19/9/2024, đại diện Trại giam số 6 của Bộ Công an thông báo với ông Thức rằng Chủ tịch Nhà nước (CTNN) muốn đặc xá cho ông nên Bộ Công an yêu cầu ông làm đơn xin ân xá. Ông Thức từ chối như đã từng từ chối. Tuy nhiên đến cuối buổi chiều hôm sau (20/9/2024), lãnh đạo trại giam vẫn điều động khoảng 20 người đến phòng giam ông Thức để công bố Quyết định “đặc xá” của CTNN. “Lực lượng chức năng” không màng đến chuyện ông Thức không muốn tiếp nhận thịnh tịnh của CTNN. Do quyết định “đặc xá” đã biến ông Thức từ phạm nhân thành người tự do, Trại giam số 6 tuyên bố tước quyền tiếp tục... “cư trú” trong trại giam của ông Thức. Ông Thức trở về do không thể cự tuyệt sự “khoan hồng, nhân đạo” của chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam bởi trại giam tổ chức khiêng ông ra khỏi nhà tù, đưa ông lên xe chở ra phi trường Vinh! Khi ông Thức lên phi cơ để vào Sài Gòn, có thể do rất vui bởi đã “hoàn thành nhiệm vụ”, những người áp giải ông đã đề nghị ông chụp hình chung với họ [3]!

***

Luật pháp hiện hành xác định “đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của nhà nước do Chủ tịch Nhà nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt”. Bên cạnh các điều kiện như đã dẫn để được hưởng “đặc xá”, Luật Đặc xá còn nhấn mạnh việc đề nghị, xem xét, ban hành quyết định đặc xá phải “tuân thủ Hiến pháp, pháp luật” và phải thực hiện đúng “trình tự, thủ tục” luật định.

Trường hợp “đặc xá” cho ông Trần Huỳnh Duy Thức không những không tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành mà còn không tôn trọng ý chí, nguyện vọng của ông Thức. Vì sao lại thế? Nếu chịu khó đọc Luật Đặc xá hiện hành thật kỹ, sẽ pháp giác, chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam có gài vào đấy yếu tố “trường hợp đặc biệt” (Khoản 1, Điều 3) và xem “đặc xá” còn là công cụ nhằm “bảo đảm lợi ích nhà nước” (Khoản 1, Điều 4), “bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại” (Khoản 3, Điều 4).

Dường như “tự do, dân chủ, nhân quyền” là một loại “mỡ” và chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam rất thạo việc “lấy ‘mỡ’ nó rán nó”. Trần Huỳnh Duy Thức không phải là trường hợp đầu tiên và chắc chắn không phải trường hợp cuối cùng có thể dùng để minh họa cho “khoan hồng, nhân đạo” của chính quyền Cộng hòa XHCN Việt Nam. Chẳng lẽ “khoan hồng, nhân đạo” hay “thiện chí” gì đó có thể để dành rồi thỉnh thoảng trích ra một ít để thanh toán như trả phí?

Chú thích

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Luat-Dac-xa-2018-373731.aspx

[2] https://www.facebook.com/tranhuynhduythuc

[3] https://www.facebook.com/tranhuynhduythuc/posts/pfbid0dFPz7VUZYhkmXNeBgxxmayp4vEywwuJWCmPh3rhDBmS5kmijsMEofEFdyz4cbRDVl

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG