Rạng sáng ngày 21/9 (giờ Việt Nam), gia đình tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức cho VOA biết rằng họ đang đón ông ở sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi gia đình nhận được tin từ chính quyền thông báo ông sẽ được trả tự do trước hạn.
“Chiều nay [20/9] gia đình có nhận tin từ phía công an địa phương báo rằng chuẩn bị đón anh Thức về. Hiện giờ gia đình đang đứng chờ ở trước ga đến trong sân bay”, ông Trần Huỳnh Duy Tân, em ông Thức, nói với VOA vào rạng sáng ngày 21/9.
Việc chính quyền Việt Nam loan tin ông Thức được trả tự do diễn ra vài giờ trước khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khởi hành cho chuyến làm việc tại Hoa Kỳ và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc, Khóa 79 ở New York.
Nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, bị chính quyền Việt Nam bắt giam hồi tháng 5/2009 và sau đó tuyên 16 năm tù và 5 năm quản chế về tội ‘Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Nếu không được trả trước hạn, ông Thức sẽ phải thụ án đến cuối tháng 5/2025.
“Đây là tin vui, ảnh về sớm được một ngày, một giờ cũng là tin vui đối với gia đình”, ông Tân nêu nhận định với VOA hôm 21/9. “Đáng lý ra ảnh phải được ra tù sớm rồi”.
“Anh Thức đang trên đường về lại Sài Gòn” từ trại giam ở Nghệ An, trang Facebook của gia đình ông Thức viết hôm 20/9, nói thêm sự quan tâm của cộng đồng “đã tiếp thêm dũng khí và nghị lực cho anh Thức và gia đình đi hết chặn đường thử thách một cách tự hào, không tiếc nuối điều gì”.
VOA đã liên lạc Bộ Công an, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đề nghị họ đưa ra bình luận về việc ông Thức được trả tự do trước hạn, nhưng chưa được phản hồi.
Trong nhiều năm qua, nhiều tổ chức nhân quyền và các quốc gia phương tây hối thúc chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Thức, cùng các nhà hoạt động nhân quyền khác, những người được cho là bị bắt giam chỉ vì lên tiếng ôn hòa cho các hoạt động tự do, dân chủ của họ.
Trong vài năm gần đây, Uỷ ban Tom Lantos của Hạ viện Hoa Kỳ liên tục kêu gọi Hà Nội phóng thích ông Thức sau khi cơ quan này đưa trường hợp của ông vào Dự án Bảo vệ Tự do (Defending Freedoms Project – DFP), một dự án nhằm hỗ trợ các tù nhân lương tâm trên khắp thế giới, khuyến khích các thành viên Quốc hội Mỹ vận động thay mặt cho các tù nhân lương tâm để họ được tự do, đồng thời ràng buộc trách nhiệm giải trình về việc đối xử bất công.
Từ tháng 5/2019 đến nay, Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ Zoe Lofgren, thành viên của Ủy ban Tom Lantos, chính thức bảo trợ cho ông Trần Huỳnh Duy Thức và liên tục kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông.
Ông Thức là bị cáo đầu vụ trong vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” tại thành phố Hồ Chí Minh mà các bị cáo khác trong cùng vụ án này, bao gồm Lê Thăng Long, Lê Công Định và Nguyễn Tiến Trung, đều đã được trả tự do từ lâu. Trong số này, ông Trung hiện đang tị nạn chính trị tại Đức.
Ý kiến của giới hoạt động
Giới hoạt động cho nhân quyền Việt Nam hoan nghênh việc chính quyền Việt Nam phóng thích ông Thức trước hạn hơn 8 tháng, nhưng lên án việc trả tự do cho một số ít tù nhân trong số hơn 160 tù nhân chính trị tại đất nước này, mà theo họ là để làm “món quà” trước các cuộc họp mặt hay thăm viếng quốc tế.
“Đây là món quà mà ông Tô Lâm đi trình cho chính phủ Mỹ, để xoa dịu chính phủ Mỹ về sự đàn áp nhân quyền tại Việt Nam”, ông Trần Đức Tuấn Sơn, đại diện cho tổ chức Việt Tân ở châu Âu, nêu nhận định với VOA. “Anh Thức ra tù là niềm vui cho anh, cho gia đình và cho tất cả những người tranh đấu. Nhưng chúng ta không được quên tất cả những tù nhân lương tâm đang còn ở trong tù”.
“Những tù nhân lương tâm Việt Nam đang bị biến thành những món quà, hay con tin của chế độ Cộng sản Việt Nam”, ông Sơn nhấn mạnh.
Từ Pháp, nhà hoạt động Phạm Minh Hoàng, cựu tù nhân lương tâm Việt Nam, nêu ý kiến:
“Một người có kiến thức như anh Thức mà phải bị tù đày gần như hết cuộc đời – mười mấy năm trời, coi như hết một quảng đời – thì đó là điều đáng buồn. Nhưng điều đáng buồn hơn là họ đã sử dụng những tù nhân lương tâm như món quà”.
“Đây là sự bất hạnh của dân tộc Việt Nam: những người đấu tranh lên tiếng thì bị vào tù và đợi đến khi nào có một chuyến viếng thăm của một quan chức đến các nước tây Âu hay Mỹ thì mới mong có được tự do. Đó là một điều xót xa”, ông Hoàng, người từng bị án tù với cùng tội danh với ông Thức, chia sẻ với VOA.
Hay tin ông Thức được tự do, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Viết Dũng viết trên Facebook hôm 21/9: “Mong anh giữ gìn sức khỏe. Nhiều người đã xem anh là một người thủ lĩnh tinh thần”.
Diễn đàn