Trung Quốc ngày 2/12 yêu cầu Hoa Kỳ từ bỏ phương thức dùng quốc gia thay thế để tính toán những biện pháp chống phá giá đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, giữa lúc một điều khoản liên hệ trong thỏa thuận giữa Trung Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới sắp hết hạn.
Khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, Bắc Kinh đồng ý để các thành viên của WTO xem Trung Quốc như một nền kinh tế phi thị trường khi định thuế quan chống phá giá trong 15 năm. Điều này cho phép các đối tác thương mại lợi thế sử dụng giá cả của một nước thứ ba để kiểm tra xem Trung Quốc có bán hàng hóa dưới giá thị trường hay không.
Tuy nhiên, điều khoản này sẽ hết hạn vào ngày 11 tháng 12 và Trung Quốc yêu cầu các nước tuân thủ thỏa thuận.
Hồi tháng rồi, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Penny Pritzker nói thời điểm “chưa chín mùi” để Hoa Kỳ thay đổi cách thức đánh giá xem Trung Quốc có đạt trạng thái kinh tế thị trường hay chưa, và rằng không có quy tắc thương mại quốc tế nào đòi hỏi phải thay đổi cách thức Hoa Kỳ tính toán áp dụng thuế quan chống phá giá.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Shen Danyang cho biết Hoa Kỳ nên ngưng sử dụng cách định giá riêng về kinh tế thị trường để bác bỏ “các quyền” của Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn này nói rằng: “Đây là quyền Trung Quốc phải được hưởng trong tư cách là một thành viên của WTO và là một nghĩa vụ tất cả các thành viên của WTO phải thực hiện.”
Hoa Kỳ lâu nay cho rằng những cải cách thị trường của Trung Quốc chưa đáp ứng kỳ vọng, đặc biệt trong ngành nhôm và thép là hai ngành mà sự can thiệp của nhà nước đã làm cho mức sản xuất vượt quá mức cầu và quá tải, đe dọa các ngành công nghiệp trên toàn thế giới.