Khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam năm 2016 “đông chưa từng có” trong bối cảnh có ý kiến cho rằng Bắc Kinh có thể sử dụng lợi thế này làm “lá bài”, “công cụ chính trị”, để “gây sức ép” lên Hà Nội.
Du khách tới Việt Nam từ quốc gia láng giềng phương Bắc năm ngoái đạt con số kỷ lục là gần 2,7 triệu người, đứng đầu số khách du lịch quốc tế tới Việt Nam năm ngoái, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam. Con số trên chiếm khoảng 30% trong tổng số hơn 10 triệu du khách nước ngoài tới Việt Nam trong năm ngoái.
Ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch thuộc Tổng Cục Du lịch Việt Nam, cho VOA Việt Ngữ biết rằng một trong các nguyên nhân khiến du khách Trung Quốc tới Việt Nam nhiều đó là “quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều chuyển biến rất là tốt đẹp trong năm vừa qua”.
Chị Hà Lê, một nhân viên tiếp thị tại một nhà hàng nhiều du khách Trung Quốc hay lui tới ở Nha Trang, cho biết rằng theo quan sát của chị, khách du lịch Trung Quốc áp đảo các du khách từ những nước khác.
Chị ví von rằng “nếu cùng người nhà đi lên một cái đảo [ở Nha Trang], người nhà mà bị lạc thì không thể tìm thấy vì nó quá đông [du khách Trung Quốc]”.
Chị nói thêm:
“Khách Trung Quốc mà, họ đi đến nước nào cũng thế, đi đến địa phương nào cũng thế, đều không nhận được sự chào đón của người dân. Cái cách hành xử, ăn uống thì nói chung không có ai chấp nhận được, nhưng mà chẳng qua nó đang mang tiền đến cho mình và mình là người kinh doanh. Ở đây, lúc trước Trung Quốc nó không có tới thì lượng khách Nga, đại khái là khách nước ngoài, thì họ cư xử văn minh hơn một chút”.
Hiệp hội Du lịch TP HCM năm ngoái đã đề xuất “việc có thể sẽ áp dụng hình thức xử phạt thật nặng với những du khách Trung Quốc có hành vi ngạo mạn, không tôn trọng phong tục tập quán, lịch sử văn hóa Việt Nam”, sau khi xảy ra tình trạng khách du lịch từ nước láng giềng “đốt tiền Việt” tại Đà Nẵng hay hành hung nhân viên hàng không Việt Nam.
Ông Daniel Meesak, một chuyên gia về du lịch Trung Quốc hiện làm việc ở Đài Loan, nói với VOA Việt Ngữ rằng, do ngành du lịch đóng vai trò lớn ở nhiều nước đang phát triển như Việt Nam, nên nếu Bắc Kinh ngưng số du khách này tới một nước nào đó thì nó sẽ gây ra nhiều xáo trộn.
Ông nói thêm:
“Trung Quốc hiện là thị trường du khách lớn nhất thế giới nên dĩ nhiên họ sẽ dùng lợi thế này để làm công cụ chính trị trong quan hệ với các nước láng giềng”.
Khi được hỏi rằng liệu ngành du lịch trong nước sẽ chịu tác động ra sao nếu quan hệ giữa hai nước xấu đi, dẫn tới việc Trung Quốc kêu gọi người dân nước này rút khỏi Việt Nam, hay ra khuyến cáo không tới nước này du lịch như từng làm sau các biến cố quanh giàn khoan dầu Hải Dương 981 xảy ra năm 2014, ông Nam nói:
“Tôi nghĩ rằng cũng không ảnh hưởng lớn. Tất nhiên là, khi một thị trường nào đó sụt giảm, không chỉ Trung Quốc mà Hàn Quốc, Nhật Bản mà cả Tây Âu, khi mà có sự sụt giảm, hoặc vì lý do nào đó về bệnh dịch gây ra sự sụt giảm, nó có ảnh hưởng tới sự phát triển chung của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng một thị trường không thể ảnh hưởng nhiều. Chúng tôi luôn có các giải pháp cân bằng [thị trường]”.
Theo chuyên gia Meesak, một số nước ở châu Á như Đài Loan đã bắt đầu đa dạng hóa ngành du lịch, thay vì để cho du khách Trung Quốc thống lĩnh thị trường, nhằm tránh những hệ quả không hay trong những tình huống xấu.
Ông Frederick Burke từ tập đoàn luật đa quốc gia Baker & McKenzie ở TP HCM nói với VOA rằng Bắc Kinh dường như vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy nước này đẩy mạnh du lịch tới Việt Nam nhằm mưu tìm lợi thế chiến lược về mặt chính trị.
Ông nói thêm rằng Trung Quốc từng được biết đã sử dụng luồng du khách ra nước ngoài làm công cụ chính trị. “Nhưng chính phủ Việt Nam hiểu rằng nguy cơ như vậy chỉ là một phần nhỏ trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc cũng như các quyền lợi chính trị và ngoại giao lớn hơn”, ông Burke nói.