Trung Quốc trong năm qua đã nổi lên như nguồn cung cấp khách du lịch hàng đầu cho Việt Nam, một vị thế có khả năng giúp mở rộng các mối quan hệ song phương vốn đã bị tổn thương vì vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo, và cũng là nước mà trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam bao giờ cũng tỏ ra hoài nghi. Theo các số liệu của chính phủ Việt Nam, trong tháng Một 2017, số du khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 250.000 người, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa TQ lên vị thế số Một trong các nguồn cung cấp khách du lịch cho Việt Nam.
Du khách Trung Quốc đã định hình lại nền kinh tế của Hồng Kông và Đài Loan trong thập niên qua, giúp những nơi này xích lại gần hơn với Bắc Kinh sau thời kỳ dài quan hệ khó khăn.
Bây giờ có lẽ đã đến lượt khách du lịch Trung Quốc mang lại nhiều thay đổi cho Việt Nam. Ông Frederick Burke thuộc công ty luật đa quốc gia Baker & McKenzie tại thành phố Hồ Chí Minh nhận định:
"Có một số căng thẳng tiềm tàng về vấn đề Biển Đông và biển Hoa Đông, tuy nhiên Việt Nam là một điểm đến mà người dân Trung Quốc cảm thấy thoải mái khi đi du lịch."
Ông Burke nói "Việt Nam không mấy xa, dễ lui tới. Lại có những điểm tương đồng về văn hóa, nhưng lại có những khác biệt rất thú vị. Du lịch sang Việt Nam không tốn kém, và họ sẵn lòng phục vụ du khách Trung Quốc."
Khắc phục căng thẳng
Sự tăng vọt về lượt khách Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của Việt Nam. Năm ngoái số lượt khách đến Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 10, đạt khoảng 2,2 triệu. Số liệu này sút giảm vào năm 2014 sau khi Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu và đặt giàn khoan này trong vùng biển đang trong vòng tranh chấp ở Biển Đông, khơi lên các vụ biểu tình bạo loạn chống Trung Quốc gây tử vong.
Bắc Kinh và Hà Nội đối đầu gay gắt về chủ quyền trên phần lớn Biển Đông, kể cả tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhưng một làn sóng khách du lịch ổn định có khả năng cải thiện các mối quan hệ giữa người dân hai nước vốn trong nhiều thế kỷ đã bị ảnh hưởng bởi những đối đầu chính trị và cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, cùng với các tranh chấp hàng hải, theo các nhà phân tích.
Sự phát triển của ngành du lịch là một điểm sáng trong quan hệ thương mại Việt-Trung vào cuối năm 2016, theo ông Hoàng Việt Phương, người đứng đầu nghiên cứu và là cố vấn đầu tư tại Dịch vụ Chứng khoán SSI ở Hà Nội.
Louie Nguyễn, biên tập viên và người sáng lập trang web tin tức của VietnamAdvisors nhận định:
"Có xu hướng muốn chuyển hướng từ một trung tâm sản xuất sang các lĩnh vực khác, ta có thể thấy xu hướng đó trong sự gia tăng các sáng kiến kinh doanh và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Ngay cả trong ngành giải trí, phim mới nhất của King Kong đã được thực hiện ở Việt Nam. Vì vậy, ở Việt Nam có nhiều sáng kiến làm ăn, tách ra khỏi lĩnh vực chế tạo sản xuất. Du lịch là một trong các lĩnh vực đó".
Ông Burke trích tin của Tân Hoa Xã nói rằng Trung Quốc giờ là nguồn cung cấp khách du lịch hàng đầu của Việt Nam. Mặc dù Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất xuất khẩu, cứ 8 công việc mới hiện nay thì có một là trong ngành khách sạn, Du lịch chiếm 6,6% GDP của Việt Nam trong năm ngoái.
Thị trường du lịch bùng nổ
Một cửa khẩu biên giới trên bộ và các chuyến bay ngắn từ các thành phố miền Nam Trung Quốc đã giúp đẩy mạnh ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn đầu.
Tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam sát biên giới Trung Quốc là một điểm đến du lịch đắt khách, hồi tháng Một năm nay cho phép du khách Trung Quốc lưu viếng 3 ngày mà không cần visa. Người Trung Quốc ưa thích các thắng cảnh vùng duyên hải, thích mua sắm và các tiệm ăn với những món tự chọn, theo truyền thông địa phương.
Ông Ma Wensheng, 48 tuổi từ Bắc Kinh, vừa cùng gia đình đến thăm miền Nam trong 3 ngày. Ông nói:
"Trong hai năm qua, chúng tôi đã đi thăm Thái Lan và quần đảo Maldives, rồi chúng tôi nhận được những tờ quảng cáo, và tin Việt Nam có thể là một điểm đến tốt hơn, nguyên thuỷ hơn.”
Ông nói trong khi ông không chứng kiến tình cảm bài Trung Quốc nào, nhưng không phải tất cả đều hoàn hảo:
"Điểm bất lợi có lẽ là khâu phát triển du lịch của Việt Nam không sánh bằng Thái Lan và Maldives. Một số cơ sở hạ tầng không thân thiện và ở vài nơi thiếu thốn. Lợi thế của nó là giá cả thấp hơn so với Maldives và nhiều thứ nữa."