Đang có những diễn biến có thể ảnh hưởng lớn đến cục diện Biển Đông. Ngay khi Trung Quốc và Nga vừa khởi động cuộc tập trận chung 7 ngày, Tổng thống Philippines đã có những tuyên bố báo hiệu sự thay đổi mạnh trong chính sách về quân sự và biển đảo.
Tân Hoa Xã của Trung Quốc và một số trang tin nước ngoài hôm 13/9 cho hay hải quân Trung Quốc và Nga trong cùng ngày đã bắt đầu tập trận chung ở Biển Đông.
Cuộc tập trận ở gần cảng Trạm Giang, ngoài khơi tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc sẽ kéo dài đến ngày 19/9. Tham gia hoạt động quy mô lớn này về phía Trung Quốc có 10 tàu các loại, kể cả tàu khu trục, tàu đổ bộ và tàu ngầm, 11 máy bay cánh cố định, 8 trực thăng và 160 lính thủy quân lục chiến. Phía Nga có 3 tàu nổi, 2 tàu tiếp liệu, 2 trực thăng và 96 lính thủy quân lục chiến.
Vị trí cuộc tập trận cách khá xa các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có nhiều tranh chấp. Một nhà nghiên cứu về Biển Đông của Việt Nam cho rằng việc Trung Quốc và Nga lựa chọn địa điểm như vậy có thể cho thấy họ thận trọng về động thái của mình. Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông và Ban Nghiên cứu Luật Biển và Hải đảo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nói với VOA:
“Có lẽ là trong cuộc tập trận này, ở một cái vùng biển như vậy, thì Nga vẫn đang thận trọng. Và rõ ràng trong trường hợp này, cái việc tập trận chung như thế trong cái vùng Biển Đông, ở cái khu vực như vậy có lẽ nó gửi một tín hiệu về mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc nhiều hơn”.
Phó Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Vương Hải, chỉ huy cuộc tập trận về phía Trung Quốc, nói hoạt động chung này là một biện pháp chiến lược và hành động cụ thể để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Trung-Nga.
Một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay hải quân hai nước sẽ luyện tập về phòng không chung, chống ngầm, đổ bộ, chiếm đảo, tìm kiếm cứu nạn và sử dụng vũ khí.
Mặc dù tuyên bố nói cuộc tập trận không nhằm vào bên thứ ba và vị trí ở xa các điểm nóng, song nội dung chiếm đảo vẫn gây ra những quan ngại nhất định đối với các bên có tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Thạc sỹ Hoàng Việt phân tích thêm:
“Ở đây bài tập trận đánh chiếm đảo thì trước đây Trung Quốc đã nhiều lần tập rồi. Và cái ý của Trung Quốc là muốn cảnh cáo những quốc gia nào mà muốn chống lại Trung Quốc hoặc có những hành động như vậy với Trung Quốc thì Trung Quốc cũng sẵn sàng. Tức là Trung Quốc răn đe trước những hành động tương tự như vậy”.
Biển Đông có nhiều tranh chấp giữa các bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei.
Việc Trung Quốc và Nga tập trận có thể được xem là lời đáp trả cho sức ép quốc tế đòi Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết hồi tháng 7 của Tòa Trọng tài quốc tế bác bỏ tính pháp lý của tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, đang có dấu hiệu cho thấy phán quyết kể trên sẽ bị suy yếu nghiêm trọng sau khi tổng thống của chính Philippines, nước đã khiếu nại Trung Quốc ra Tòa Trọng tài, đưa ra những tuyên bố bất ngờ về Biển Đông và chính sách quốc phòng.
Hôm 13/9, phát biểu trước các quân nhân của Không lực Philippines tại một căn cứ không quân, Tổng thống Duterte bác bỏ ý tưởng tuần tra chung ở các khu vực có tranh chấp của Biển Đông.
Ông phát biểu: “Chúng ta sẽ không tham gia bất kỳ cuộc điều động quân hay cuộc tuần tra nào ở vùng biển. Tôi sẽ không cho phép vì tôi không muốn đất nước mình dính líu đến hành động thù địch”. Ông nói thêm rằng “Tôi không muốn đi với Trung Quốc hay đi với Mỹ ở đó. Tôi chỉ muốn tuần tra vùng biển của chúng ta”.
Ông cũng đưa ra thông tin gây sốc rằng ông đang cân nhắc mua vũ khí và thiết bị quân sự của hai nước đã chào mời bán cho Philippines với khoản vay ưu đãi có thời hạn 25 năm.
Mặc dù ông Duterte không nêu tên hai nước, hãng tin Bloomber cho rằng có khả năng hai nước đó là Nga và Trung Quốc. Theo hãng tin, trong vòng 50 năm qua cũng như hiện nay, ước tính đến 3/4 vũ khí của Philippines là mua của Mỹ.
Những tín hiệu về thay đổi chính sách thể hiện trong các phát biểu của ông Duterte sẽ có tác động lớn cả ở tầm mức khu vực cũng như đối với Việt Nam. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích:
“Ảnh hưởng của nó ghê gớm lắm, bởi vì rõ ràng là trước mắt với cái tuyên bố này của ông Duterte thì gần như là cái phán quyết của phiên tòa sẽ có tác dụng với Trung Quốc rất là ít. Bởi vì trực tiếp là Philippines là bên đã khởi kiện và về mặt pháp lý thì nó ràng buộc hai bên Philippines và Trung Quốc, nhưng Philippines lại coi nhẹ nó như vậy, đấy cùng là cái vấn đề mà hiệu lực của phiên tòa giảm đi rất nhiều. Vấn đề thứ hai là cái tuyên bố của ông Duterte cho thấy chính sách của Philippines thay đổi, và nó ảnh hưởng rất lớn đến quyết định của ASEAN sau này. Và đương nhiên nó cũng tác động rất nhiều đến cán cân về xoay trục, chính sách xoay trục sang châu Á của chính phủ Hoa Kỳ”.
Nhà nghiên cứu về Biển Đông nhận định thêm rằng Tổng thống Duterte “thân với Trung Quốc hơn thân với Mỹ” nhưng ông Việt cho rằng ông Duterte dường như “chưa có kinh nghiệm nhiều trong làm việc với Trung Quốc”. Ông Việt nhắc lại việc Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo như một lời cảnh báo về hợp tác với Trung Quốc:
“Ông phải làm việc với Trung Quốc thì ông mới hiểu được là riêng cái tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc là không bao giờ họ suy giảm. Ngay cả trong phát biểu gần đây, phía ngoại giao của Trung Quốc cho rằng sẵn sàng thỏa hiệp trong vấn đề Scarborough. Nhưng trong thực tế, đội tàu Trung Quốc bao quanh Scarborough còn tăng lên về số lượng. Có thể là ông Duterte ông vẫn nghĩ rằng có thể thỏa hiệp được với Trung Quốc một số vấn đề. Nhưng tôi cho rằng là thỏa hiệp với Trung Quốc về vấn đề này rất khó khăn”.
Với thực tế chính sách của Philippines thay đổi khó lường, ông Việt cho rằng Việt Nam phải hết sức thận trọng khi xây dựng chính sách về Biển Đông trong bối cảnh mà ông gọi là “cuộc chơi hết sức phức tạp”. Ông cảnh báo nếu Việt Nam không có những “chính sách ngoại giao khéo léo”, Việt Nam có thể trở nên “đơn độc vô cùng trong cuộc chiến này”.