Chủ nhật này đánh dấu 15 năm Trung Quốc là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một cột mốc quan trọng đã được dự đoán lâu nay là để đánh dấu sự trỗi dậy của quốc gia do cộng sản cai trị nhưng phát triển theo kinh tế thị trường.
Bắc Kinh xem ngày này là thời điểm Trung Quốc trở thành một nền kinh tế thị trường theo mặc định, nhưng quy định này trong thỏa thuận gia nhập vào WTO sẽ không còn áp dụng nữa. Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và các nước khác không đồng ý Trung Quốc được mặc định là nền kinh tế thị trường.
Nhật Bản và Ấn Độ dường như không công nhận ngay Trung Quốc có nền kinh tế thị trường. Một số người tin rằng EU cuối cùng có thể bật bật đèn xanh cho Trung Quốc, nhưng sẽ từng bước giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trên thị trường, ngay cả khi nước này được công nhận quy chế kinh tế thị trường (MES).
Đây là cột mốc quan trọng trong thời kỳ trắc nghiệm của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới trong lúc nền kinh tế này đang tăng trưởng ở tốc độ chậm nhất trong một phần tư thế kỷ qua. Trước đó Trung Quốc từng đạt tỉ lệ tăng trưởng trên 10%.
Được công nhận kinh tế thị trường là một trong những vấn đề quan trọng đối với Trung Quốc, không chỉ vì uy tín và vị thế mà qui chế này mang lại, mà còn bởi vì nó sẽ hạ thấp đáng kể rào cản đối với thương mại Trung Quốc và thuế suất chống bán phá giá.
Nhiều nhà phân tích cho rằng họ biết rõ việc Trung Quốc trợ giá quá nhiều cho các doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích doanh nghiệp bán hàng dưới giá, phá giá hàng hóa trên thị trường thế giới. Bắc Kinh phản đối quan điểm đó và lập luận rằng các công ty Trung Quốc hoạt động tự do mà không có bất kỳ sự trợ giá nào của chính phủ.
Ông Scott Kennedy, Giám đốc Dự án Kinh doanh và Kinh tế chính trị Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết:
“Cơ quan phán quyết trung lập nhất về việc liệu Trung Quốc có tuân thủ các cam kết WTO hay không chính là WTO."
Ông Kennedy cho biết đến nay Trung Quốc đã bị thua phần lớn các vụ kiện tại WTO. Trong số 24 vụ kiện tại WTO liên quan đến Bắc Kinh, 16 vụ đã có phán quyết.
Ông Kennedy nói: "Các hồ sơ kiện Trung Quốc chủ yếu liên quan đến các khía cạnh khác nhau trong chính sách công nghiệp của Trung Quốc, mà WTO đã nhiều lần phát hiện các chính sách đó không nhất quán với các cam kết của Trung Quốc."