Ông Tập Cận Bình có phần chắc không bỏ rơi “bạn cũ” Vladimir Putin, cho dù quyết định của Tổng thống Nga gửi thêm hàng ngàn quân sang Ukraine và những lời đe dọa hạt nhân của ông đã làm căng thẳng quan hệ đối tác “không giới hạn” của Bắc Kinh với Moscow, theo các chuyên gia.
Thay vào đó, Trung Quốc sẽ đào sâu vào lập trường khó xử của mình là kêu gọi đối thoại và giải pháp hòa bình trong khi từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine, họ nói.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 22/9 nói với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York rằng Trung Quốc sẽ kiên định lập trường “khách quan” và “công bằng”.
Ông Tập và ông Putin trong những năm gần đây ngày càng trở nên thân thiết, bị ràng buộc bởi sự không tin tưởng của họ đối với phương Tây, và tái khẳng định quan hệ đối tác của họ chỉ vài ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine. Nhưng Trung Quốc đã cẩn thận không cung cấp cho Nga bất kỳ hỗ trợ vật chất trực tiếp nào có thể khiến Trung Quốc bị phương Tây chế tài.
Ông Putin thừa nhận những giới hạn đó hồi tuần trước khi hai người gặp nhau lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu, tại Uzbekistan, nói rằng ông Tập có những thắc mắc và lo ngại về tình hình Ukraine và ca ngợi ông về lập trường “cân bằng”.
“Tôi không thấy có khác biệt với bất kỳ quan điểm mới nào... Trung Quốc không ủng hộ chiến tranh, không ủng hộ xung đột, điều đó đã rất rõ ràng ngay từ đầu”, ông Henry Wang Huiyao, người sáng lập tổ chức nghiên cứu Trung tâm về Trung Quốc và Toàn cầu hóa cho biết.
Nga nói rằng các hành động của họ ở Ukraine là một “chiến dịch đặc biệt” nhằm làm suy giảm khả năng quân sự của nước láng giềng và loại bỏ tận gốc những người mà nước này gọi là theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.
Mặc dù Trung Quốc có thể đã hy vọng cuộc chiến ngắn gọn, nhưng các động thái trên chiến trường của ông Putin - tìm cách chống chọi các thất bại gần đây - có phần chắc không làm Bắc Kinh lo ngại hoặc thay đổi bản chất thực chất của mối quan hệ giữa hai nước, các nhà phân tích nhận định. Yếu tố chi phối vẫn là địa chính trị, bao gồm cả sự cạnh tranh của Bắc Kinh với Washington.
Hợp tác kinh tế giữa hai nước láng giềng khổng lồ có thể sẽ phát triển khi Trung Quốc thu được lợi ích từ nguồn cung cấp năng lượng ngày càng rẻ hơn trong khi Nga bù đắp thiệt hại từ lệnh cấm của Liên hiệp châu Âu.
Ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học SOAS London, nói: “Điều quan trọng nhất đối với ông Tập là ông Putin không thất bại hoặc làm lộn xộn cuộc xâm lược có thể gây thiệt hại cho Trung Quốc, chủ yếu là trong lĩnh vực kinh tế”. “Động lực cơ bản đằng sau chính sách đối ngoại của ông Tập là đặt Trung Quốc lên hàng đầu.”
Tránh xa rắc rối
Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đưa tin rất ít về bài phát biểu mới nhất của ông Putin, ngay cả sau khi nó gây chấn động thị trường toàn cầu và bị các cường quốc phương Tây lên án. Tuy nhiên, phát biểu của ông Putin đã được thảo luận rất nhiều trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, gây ra sự pha trộn giữa bàng hoàng và chỉ trích mà các nhà kiểm duyệt không loại bỏ cũng không ủng hộ.
Ông Yuan Jingdong, một phó giáo sư tại Đại học Sydney, chuyên về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Trung Quốc, nói ông dự kiến Trung Quốc tiếp tục cẩn trọng tránh công khai chỉ trích Nga hoặc công khai bày tỏ thiện cảm với Ukraine, đồng thời kiềm chế - tốt nhất có thể - tán thành các hành động của ông Putin.
“Vì cố vấn an ninh quốc gia của ông Putin (đã) có mặt ở Trung Quốc khi ông Putin đưa ra thông báo, có thể có một số trấn an từ Trung Quốc đối với Nga về tầm quan trọng của mối quan hệ song phương, nhưng cũng là dấu hiệu rõ ràng về những gì Nga có thể thực tế mong đợi từ Trung Quốc”, ông nói.
“Tại thời điểm này, lựa chọn của Bắc Kinh dường như là tránh xa rắc rối và tránh xa hiểm họa ngày càng gia tăng mà cuộc xâm lược của Nga đang mang lại”.
Diễn đàn