Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau vào chiều thứ Năm 15/9 ở Samarkand, một thành phố của Uzbekistan nằm trên Con đường Tơ lụa cổ xưa, theo lịch làm việc được phái đoàn Nga công bố với giới truyền thông.
Trợ lý chính sách đối ngoại của ông Putin, Yuri Ushakov, nói với các phóng viên tại Moscow hôm 13/9 rằng hai nhà lãnh đạo có kế hoạch thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine, căng thẳng về Đài Loan và mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc, siêu cường đang mạnh lên, và Nga, đại cường về mặt tài nguyên thiên nhiên.
Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Tập ra khỏi Trung Quốc kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 và chỉ một tháng trước khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành đại hội và xác lập vị trí của ông Tập là nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.
Trong lần gần đây nhất ông Tập và ông Putin gặp mặt trực tiếp, chỉ vài tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, họ tuyên bố về mối quan hệ đối tác "không giới hạn" và hứa hợp tác nhiều hơn nữa để chống lại phương Tây.
Giờ đây, ông Putin sẽ bước vào cuộc họp sau gần 7 tháng chiến tranh ở Ukraine đã làm Nga rệu rã về kinh tế và quân sự trong cuộc đối đầu lớn nhất với phương Tây kể từ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh.
Nhà lãnh đạo tối cao của Nga vẫn chưa bình luận công khai về việc các lực lượng của ông ta tháo chạy chớp nhoáng ở đông bắc Ukraine.
Quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc giữa hai ông Tập và Putin được coi là một trong những diễn biến quan trọng nhất về địa chính trị tiếp sau sự trỗi dậy ngoạn mục của bản thân Trung Quốc trong 40 năm qua.
Từng là nước đứng đầu trong hệ thống Cộng sản toàn cầu, nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 giờ chỉ là đối tác đàn em của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy, được dự báo sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới.
Mặc dù Nga và Trung Quốc trong quá khứ từng là đối thủ của nhau và đã từng có chiến tranh, nhưng hai ông Putin và Tập có chung thế giới quan cho rằng phương Tây đang suy đồi và suy tàn cùng lúc Trung Quốc thách thức vị thế số 1 của Hoa Kỳ.
Vào lúc châu Âu cố gắng quay lưng lại với dầu và khí đốt của Nga, ông Putin sẽ tìm cách thúc đẩy xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc và châu Á, có thể bằng một đường ống chạy qua Mông Cổ. Ông Putin, ông Tập và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh sẽ tổ chức một cuộc họp ba bên ở Samarkand.
Tại Uzbekistan, hai ông Tập và Putin sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), một khối an ninh bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và bốn quốc gia Trung Á. Iran hôm 15/9 đã ký một bản ghi nhớ về việc gia nhập SCO.
(Reuters)
Diễn đàn