Đường dẫn truy cập

Tổng thống Hàn Quốc sẽ dự lễ kỷ niệm Thế chiến thứ II ở Bắc Kinh


Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phát biểu trong bữa ăn trưa với các thành viên của một tổ chức từ thiện tại phủ tổng thống ở Seoul, ngày 20/8/2015.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phát biểu trong bữa ăn trưa với các thành viên của một tổ chức từ thiện tại phủ tổng thống ở Seoul, ngày 20/8/2015.

Một giới chức cấp cao ở Seoul hôm nay loan báo Tổng thống Hàn Quốc Park Guen Hye sẽ đến Bắc Kinh để dự các buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày thế chiến thứ hai chấm dứt, nhưng chưa rõ vị nữ tổng thống này có dự khán cuộc duyệt binh được nhiều người bàn tán hay không. Thông tín viên đài VOA tường trình từ Seoul.

Ông Ju Chul Ki, Bí thư Ngoại giao của Tổng thống Hàn Quốc, cho báo chí biết rằng bà Park Guen Hye sẽ lên đường đi Bắc Kinh vào ngày 2 tháng 9 để thực hiện chuyến viếng thăm 3 ngày có thể bao gồm một cuộc họp thượng đỉnh hoặc một cuộc hội đàm riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, ông Ju nói rằng hiện chưa có quyết định là phải chăng vị nữ tổng thống này sẽ dự khán cuộc duyệt binh qui mô lớn ở Bắc Kinh mà một số nhà quan sát cho là có thể được dùng để bôi nhọ Nhật Bản và phô trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Vào thời điểm này các chi tiết vẫn còn đang được xem xét.

Theo dự liệu, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ dự khán cuộc duyệt binh mặc dù nhiều nhà lãnh đạo Tây phương không muốn tham dự vì có những mối quan tâm về sắc thái quân sự quá nặng của sự kiện này.

Theo dự liệu, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ dự khán cuộc duyệt binh mặc dù nhiều nhà lãnh đạo Tây phương không muốn tham dự.
Theo dự liệu, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ dự khán cuộc duyệt binh mặc dù nhiều nhà lãnh đạo Tây phương không muốn tham dự.

Đại sứ Liên hiệp Âu Châu tại Bắc Kinh, ông Hans Dietmar Schweisgut, mới đây cho biết sự phô trương sức mạnh quân sự có thể tạo ra những câu hỏi là “sự kiện này sẽ thúc đẩy cho hoà giải hay là khích động thù hận.”

Những mối căng thẳng đang trên đà gia tăng với Trung Quốc vì những hành động quân sự hung hăng ở Biển Đông, mối lo ngại là Bắc Kinh sẽ dùng cuộc duyệt binh để gây xấu hổ cho Nhật Bản, và ký ức về sự đàn áp tàn bạo của Bắc Kinh đối với cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên an môn năm 1989 cũng làm cho nhiều nhà lãnh đạo không muốn tham dự một cuộc duyệt binh tại cùng một địa điểm.

Washington chưa loan báo là có giới chức nào của Mỹ sẽ đến dự hay không và thậm chí họ còn chưa xác nhận là có nhận được lời mời của Bắc Kinh hay không.

Nhà lãnh đạo của Hàn Quốc có thể có những cảm xúc lẫn lộn về việc tham dự cuộc duyệt binh của Bắc Kinh. Tuy cả hai nước đều đã gánh chịu nhiều nỗi đau khổ vì sự xâm lăng của Nhật cho tới khi thế chiến thứ hai chấm dứt, nhưng Trung Quốc sau đó đã chiến đấu chống lại Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ, và hỗ trợ cho các lực lượng Cộng Sản miền bắc trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên.

Quyết định của bà Park Guen Hye đến dự lễ kỷ niệm ở Bắc Kinh sẽ làm mạnh thêm những nỗ lực của bà nhằm xây dựng một mối quan hệ tích cực với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc.

Hàn Quốc đã ký một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc vào năm 2014, và hồi đầu năm nay, đã gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Á châu do Trung Quốc dẫn đầu.

Chính phủ ở Seoul cũng tìm cách cân bằng những nỗ lực siết chặt quan hệ với Trung Quốc với việc duy trì một mối quan hệ đồng minh quân sự mật thiết với Washington. Năm 2014 Hàn Quốc và Hoa Kỳ đồng ý triển hạn quyền kiểm soát của Mỹ đối với các lực lượng hỗn hợp ở Hàn Quốc vì sự lo ngại đối với mối đe dọa ngày càng tăng của vũ khí hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên. Quân đội hai nước đang tiến hành những cuộc tập trận chung.

Ông Robert Kelly, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Quốc gia Pusan ở Hàn Quốc, nói rằng việc bà Park Guen Hye xích lại gần hơn với Trung Quốc không có nghĩa là Seoul muốn tránh xa Washington mà là một phần của một chiến lược dài hạn nhằm gây thương tổn cho mối quan hệ giữa Bắc Triều Tiên với Trung Quốc.

Hiện chưa rõ lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un có đến dự các buổi lễ ở Trung Quốc hay không.
Hiện chưa rõ lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un có đến dự các buổi lễ ở Trung Quốc hay không.

"Nếu chúng ta có thể kéo Trung Quốc ra xa Bắc Triều Tiên thì Bắc Triều Tiên sẽ phải đứng một mình và hy vọng là một lúc nào đó Bắc Triều Tiên sẽ bị sụp đổ. Ý nghĩa thật sự của việc này là như vậy."

Ông Kelly cho rằng thông điệp mà bà Park Guen Hye muốn đưa ra qua những hoạt động ngoại giao cá nhân và việc tăng cường các mối liên hệ kinh tế với Trung Quốc là một nước Triều Tiên thống nhất dưới sự lãnh đạo của Seoul sẽ có ích cho hoà bình và ổn định của khu vực.

Hiện chưa rõ lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên có đến dự các buổi lễ ở Trung Quốc hay không. Nếu có, đó sẽ là lần đầu tiên nhà lãnh đạo độc tài này du hành ra nước ngoài kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011 sau cái chết của thân phụ ông, là ông Kim Jong Il.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG