Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye chưa quyết định liệu có nhận lời mời của Trung Quốc tham dự những buổi lễ ở Bắc Kinh vào tháng tới đánh dấu kết thúc Thế chiến thứ hai hay không.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang-il hôm nay tuyên bố: “Chúng tôi đã duyệt xét vấn đề Tổng thống Park tham dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng vào ngày 3 tháng 9, xét vì nhiều vấn đề, và sẽ loan báo chủ trương của chúng tôi trong tương lai gần.”
Bộ Ngoại giao ở Seoul và Tòa Bạch Ốc bác bỏ các tin tức nói rằng Hoa Kỳ gây áp lực để Tổng thống Park phải từ chối chuyến thăm để tránh làm ra vẻ thân thiết với Bắc Kinh hơn là Washington.
Nhưng đảng đối lập chính ở Hàn Quốc đang kêu gọi Tổng thống Park đi dự lễ, và nói Seoul cần phải tỏ ra tích cực trong việc giao tiếp với Trung Quốc và với Bắc Triều Tiên.
Ông Moon Jae-in, lãnh tụ Liên minh Dân chủ Tân Chính trị, nói, “Chúng ta phải đóng vai chủ xướng trong ngoại giao thay vì để bị những nước khác lôi kéo.”
Thêm Phạt, bớt Thưởng cho miền Bắc
Lãnh tụ đối lập Hàn Quốc cũng chỉ trích Tổng thống Park là duy trì những biện pháp chế tài kinh tế gay gắt đối với Bắc Triều TIên.
Các biện pháp chế tài miền Bắc được áp dụng vào năm 2010 sau vụ đánh đắm một chiến hạm của Hàn Quốc làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Ông Moon lập luận rằng các biện pháp đó thực ra là trừng phạt miền Nam vì hạn chế giao tiếp kinh tế với miền Bắc, làm gia tăng sự lệ thuộc của Bình Nhưỡng vào Bắc Kinh, và khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trở nên tệ hại hơn.
Căng thẳng liên Triều đã gia tăng sau khi Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng là mới đây đã cài mìn gây thương tích cho 2 binh sĩ Hàn Quốc trong vùng phi quân sự ở biên giới.
Bắc Triều Tiên không nhận trách nhiệm về vụ này và dọa sẽ thực hiện những vụ “tấn công bừa bãi” nhắm vào Hàn Quốc. Seoul cũng đã gia tăng việc chuẩn bị quân sự vào lúc khởi sự một loạt các cuộc thao diễn quân sự chung với lực lượng Hoa Kỳ.
Đồng thời, Tổng thống Park đã tiếp xúc với chế độ Kim Jong Un để tái lập sự tin tưởng bằng cách cùng hợp tác tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đoàn tụ gia đình bị phân ly kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Tuần này, hai nước cũng đạt được một thỏa thuận tăng lương lên 5% tại một khu công nghiệp chung.
Quân bình quan hệ Washington-Bắc Kinh
Liên minh quân sự giữa Washington và Seoul vốn đã vững chắc và thân cận dưới thời bà Park. Cả hai bên đều ủng hộ chính sách “kiên nhẫn sách lược” là chế tài mạnh và răn đe quân sự cho đến khi nào Bình Nhưỡng đình chỉ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và đồng ý trở lại hòa đàm quốc tế.
Quan hệ kinh tế và ngoại giao giữa Seoul và Bắc Kinh cũng đã được cải thiện nhiều trong thời gian Tổng thống Park tại chức. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại giữa hai lân quốc Á châu đang ở mức trên 200 tỷ đôla, cao hơn gấp đôi kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Một số quốc gia Tây phương đã bày tỏ mối quan ngại rằng Bắc Kinh có thể mượn dịp này để công khai bôi nhọ Nhật Bản về những hành vi tàn ác thời chiến đã qua và phô trương sức mạnh quân sự hơn là vinh danh hòa bình hòa giải.
Những lời bày tỏ hối tiếc mà Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra trong bài diễn văn của ông nhân kỷ niệm Thế chiến thứ hai đã không đáp ứng được kỳ vọng của Trung Quốc và Hàn Quốc về một lời xin lỗi chân thành. Nhưng Tổng thống Park cho biết bà sẽ tập trung vào lời hứa của ông Abe là sẽ tôn trọng những lời tạ lỗi của các nhà lãnh đạo Nhật Bản trước đây và cố gắng cải thiện bang giao với Tokyo.
Tiếp xúc với Kim Jong Un
Có cơ may ông Kim Jong Un có thể tham dự buổi lễ ở Bắc Kinh, mặc dầu Trung Quốc còn chưa chính thức xác nhận việc ông Kim có được mời hay không.
Nếu ông Kim đi, thì việc ấy có thể tạo cơ hội cho một cuộc họp thượng đỉnh bên lề với nhà lãnh đạo Hàn Quốc, theo nhận định của ông Woo Su-keun, một chuyên gia phân tích về Triều Tiên và là giáo sư môn khoa học chính trị tại trường Đại học Donghua ở Thượng Hải.
“Vì hai nước Triều Tiên không hợp tác tốt vào thời điểm này, họ có thể gặp nhau ở một nước thứ ba trong tình hình này. Tôi nghĩ ta phải nhân cơ hội này tái khởi động và nối lại các cuộc đàm phán giữa hai nước Triều Tiên.”
Các cơ may ông Kim Jong Un đi dự lễ vẫn còn xa vời. Có tin là ông Kim đã rút lại quyết định dự lễ kỷ niệm Thế chiến thứ hai tại Moscow hồi tháng 5 vì ông không muốn được tiếp đón với tư cách chỉ là một trong nhiều nhà lãnh đạo thế giới.