Đường dẫn truy cập

Tổng thống Biden nói về Việt Nam trong bài phát biểu cuối cùng ở LHQ


Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng ly tại buổi tiệc trưa cấp nhà nước do Chủ tịch Việt Nam khi đó Võ Văn Thưởng chủ trì tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, ngày 11/9/2023.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng ly tại buổi tiệc trưa cấp nhà nước do Chủ tịch Việt Nam khi đó Võ Văn Thưởng chủ trì tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, ngày 11/9/2023.

Tổng thống Joe Biden nhắc đến việc Mỹ và Việt Nam trở thành đối tác chiến lược toàn diện như một thành tựu trong sự nghiệp của ông trong bài phát biểu cuối cùng của người đứng đầu Nhà Trắng tại Liên Hợp Quốc, khi ông đã rút lui khỏi cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ.

Tổng thống Biden thăm Việt Nam vào tháng 9 năm ngoái và cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó nâng cấp hai nước, vốn là cựu thù trong Chiến tranh Việt Nam, lên tầm đối tác cao nhất mà Hà Nội đã có với Trung Quốc và Nga, vốn là hai đối thủ lớn nhất mà Washington muốn kiềm chế.

Trong bài phát biểu trước đại hội đồng LHQ ở New York hôm 24/9, mà ông Biden nói “là lần cuối cùng của tôi,” tổng thống Mỹ nói về những bất ổn trên thế giới, gồm cả chiến tranh Việt Nam, kể từ khi ông bắt đầu sự nghiệp Thượng nghị sỹ Mỹ năm ông 29 tuổi vào năm 1972.

“Hoa Kỳ đang tham chiến ở Việt Nam, và tại thời điểm đó, là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ,” ông Biden nói, nhắc đến Việt Nam ngay trong phần đầu của bài phát biểu dài khoảng 15 phút.

Sau khi nói rằng “Chúng ta đã chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam”, Tổng thống Biden nhắc đến mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam hiện nay.

“Năm ngoái, tại Hà Nội, tôi đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam và chúng tôi đã nâng quan hệ đối tác của mình lên mức cao nhất,” ông Biden nói trước hàng trăm nhà lãnh đạo thế giới tại phiên toàn thể Đại hội đồng LHQ.

“Đó là minh chứng cho sức bền bỉ của tinh thần con người và khả năng hòa giải rằng ngày nay Hoa Kỳ và Việt Nam là đối tác và bạn bè, và đó là bằng chứng cho thấy ngay cả từ những nỗi kinh hoàng của chiến tranh vẫn có một con đường phía trước,” ông Biden nói và nhắc nhở rằng “mọi thứ có thể trở nên tốt đẹp hơn”.

Người đứng đầu Nhà Trắng đề cập đến sự hàn gắn quan hệ giữa hai cựu thù để trở thành những đối tác chiến lược tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Việt Nam trong bối cảnh có các cuộc xung đột lớn đang diễn ra trên thế giới. Ông Biden nhắc tới các cuộc chiến hiện tại ở Ukraine, Gaza hay Sudan và nguy cơ xung đột lớn ở Biển Đông.

Với chỉ 4 tháng nữa là hết nhiệm kỳ, ông Biden đã kêu gọi ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga và kêu gọi giải pháp ngoại giao cho tình hình thủ địch gia tăng ở Trung Đông.

Đây không phải lần đầu tiên ông Biden nhắc đến hình mẫu quan hệ Mỹ-Việt trước các lãnh đạo thế giới tại LHQ.

Cũng tại kỳ họp thường niên của Đại hội đồng LHQ vào tháng 9 năm ngoái, diễn ra chỉ hơn 1 tuần sau khi ông Biden thăm Hà Nội, người đứng đầu Nhà Trắng đã ca ngợi việc Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ ở mức cao nhất là hình mẫu của việc “kẻ thù trở thành đối tác.”

Khi hai nước thiết lập quan hệ cao nhất vào ngày 11/9/2023, các nhà lãnh đạo hai bên đã đưa ra phương châm 16 chữ là “khép lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai.”

Châm ngôn này đã được Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam nhắc lại trong một bài phát biểu tại Đại học Columbia hôm 23/9, trong đó ông Lâm, người trở thành nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đầu tiên được mời làm diễn giả tại trường đại học Mỹ, nói rằng Việt Nam đã “chọn đối thoại thay vì đối đầu” với Mỹ dù còn có những khác biệt.

Trước các sinh viên Mỹ và quốc tế, ông Lâm nêu bật “thiện chí hợp tác” là nền tảng để đưa Việt Nam và Hoa Kỳ từ cựu thù thành đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị-ngoại giao đến kinh tế-thương mại, quốc phòng-an ninh, trong số nhiều mặt khác.

Ông Lâm nói rằng “câu chuyện thành công của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ” là đã “biến điều không thể thành có thể.”

Trước đó, vào chiều ngày 22/9 tại New York, ông Lâm đã dự lễ kỷ niệm 1 năm nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện và hướng đến kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trước cử tọa với sự có mặt của Thượng nghị sĩ Dan Sullivan cùng cựu ngoại trưởng John Kerry, ông Lâm đã điểm lại lịch sử quan hệ Việt-Mỹ, gọi đó là “quá trình hiếm có và là hình mẫu trong quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh,” theo Tuổi Trẻ.

Trong ngày làm việc cuối cùng ở New York, ông Biden sẽ gặp ông Lâm bên lề tại Liên Hiệp Quốc vào chiều 25/9.

Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương, nơi Washington đang mở rộng sự hợp tác với các đồng minh và đối tác để kiềm chế sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở khu vực và trên thế giới.

Dù Việt Nam vẫn tiếp tục quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và Nga theo chính sách ngoại giao đa phương hóa và “4 Không”, Hà Nội vẫn được chính quyền Biden chọn vào danh sách các đối tác hàng đầu trong khu vực” của Mỹ trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2022. Việt Nam cũng đã được nhắc đến trong Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời năm 2021 của Mỹ. Hoa Kỳ cũng chọn Việt Nam là một điểm đến để “friendshoring”, tức là chuyển sản xuất đến các quốc gia hữu hảo để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trích dẫn lời của cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, ông Biden nói trong bài phát biểu của mình tại LHQ hôm 25/9 rằng “mọi thứ dường như luôn bất khả thi cho đến khi nó trở thành hiện thực,” và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau hợp tác để “không có gì nằm ngoài khả năng của chúng ta.”

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG