Ngân hàng Việt Nam (NHVN) vừa phá giá tiền đồng khoảng 2%, từ mức 18.544 tới 18.932 đồng/USD. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2010, và không là một bất ngờ. Chuyên gia tài chính thế giới cũng như Ngân hàng Á Châu đã dự báo sự cố phá giá, và chẳng chỉ một lần mà sẽ phải phá giá nhiều lần nữa trong tương lai. Thị trường tiền tệ và ngoại hối ắt biến động, và nạn lạm phát hẳn không tránh được.
Tại sao phá giá? Lý do là Việt Nam nhập siêu rất đáng kể. Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đã đạt gần 38,3 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2009; nhập khẩu đạt 45,7 tỷ USD, tăng tới 25,5% trong cùng so sánh. Nhập siêu tính như vậy là 7,4 tỉ, tức xấp xỉ 76 triệu USD mỗi ngày. Tiền đồng tăng so với USD khiến hàng nhập thanh toán bằng USD đắt đỏ hơn, và lượng cầu hàng nhập giảm, nới bớt áp lực trên cán cân vãng lai thâm hụt. Ngoài ra, quĩ dự trữ ngoại tệ Việt Nam xuống rất thấp, chỉ đủ thanh khoản nhập khẩu trong vòng 7, 8 tuần lễ.
Trước quyết định phá giá chính thức cả tháng, hãng Bloomberg cho hay theo tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giá tiền đồng so với đôla Mỹ là 19.140 VND ăn một đôla hôm 2 tháng 7, so với 18, 890 hôm 23 tháng 6. Ngoài chợ đen, tiền đô nay được mua với giá 19.175 VND. Phá giá như vậy chỉ là “bắt đuôi” thị trường: tương quan cung cầu về đôla Mỹ luôn được thấy trên thị trường chợ đen với giá đôla Mỹ luôn cao hơn giá chính thức.
Đồng tiền Việt Nam trượt giá trong thời gian qua lại khiến thị trường tìm kiếm mua và tích trữ đôla Mỹ trong lúc Ngân hàng Nhà nước nói dự trữ ngoại tệ vẫn còn đảm bảo tốt (?).
Các bình luận từ bên ngoài tỏ ra lo ngại về việc mất cân đối cung cầu với tiền Việt. Còn tiến sĩ Nguyễn Văn Tiến từ Học viện Ngân hàng tại Hà Nội cho BBC hay có một số lý do tích tụ từ đầu năm khiến nhu cầu đôla nay lên cao:
"Đầu năm, Việt Nam cho các doanh nghiệp được vay bằng đôla Mỹ, để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu, nay đến kỳ hạn trả nợ nên các doanh nghiệp có nhu cầu phải đi mua đôla."
Lý do nữa, theo ông Tiến, là chính phủ Việt Nam "yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất đồng tiền Việt Nam, nên người ta thấy đôla Mỹ hấp dẫn hơn". Ông cũng nói: "Nguyên nhân nữa là người ta thấy rằng nợ công Việt Nam cũng không phải là ít."
Xin có đôi lời về chính sách tiền tệ lãi suất: 1- Hiện lãi suất trên tiền đồng (18,5%) cao gấp hơn 6 lần lãi suất trên ngân khoản dạng USD, Nhà nước hy vọng thu hút được USD vì với lãi suất thấp, DN và tư nhân đổi USD ra tiền đồng có lãi suất cao hơn. Hy vọng này hão huyền: từ đầu năm, dự trữ ngoại tệ chỉ giảm, không tăng được; 2- Nếu giảm lãi suất tiền đồng, tác động sẽ ngược lại, và những khó khăn của khâu dự trữ ngoại tệ hẳn chồng chất thêm nữa. Vấn đề chính là người dân, doanh nghiệp… không tin vào giá trị tiền đồng ổn định. Chính thế mà ngày 8 tháng 7, báo New York Times có bài phân tích về nhu cầu đôla tại Việt Nam, nói rằng mua đôla là cách người Việt Nam "phòng ngừa lạm phát", nghĩa là phòng ngừa giá trị bấp bênh của tiền đồng. Nó chỉ có thể đi xuống vì nợ công của Nhà Nước khá lớn, và vì nhập siêu; nay 3- NHVN phá giá tiền đồng, dẫu chỉ “bắt đuôi” thị trường cung cầu tiền tệ, nhưng chắc hẳn sẽ gây thêm bất ổn tâm lý: cầu USD tăng, và để đổi, cung tiền đồng lớn hơn, tạo thêm lạm phát trong nền kinh tế.
Quả như đánh giá của công ty Fitch đã đề cập trong bài trước, chính sách tiền tệ ở mức vĩ mô của Việt Nam có vấn đề bất nhất, mâu thuẫn ở mục tiêu, và trong phương thức can thiệp vào sự điều tiết của thị trường.
Lạm phát, nói cho cùng, là đánh thuế đồng bộ trên mọi mặt hàng cả sản xuất lẫn tiêu dùng. Kiểm soát lượng cung tiền đồng, lạm phát thường tỉ lệ thuận với tiền do NHNN phát hành. Gây lạm phát là một cách đánh thuế bắt toàn dân trả bằng cái giá “đời sống đắt đỏ hơn” cho tất cả mọi người, mọi thành phần kinh tế. Không hiếm trường hợp xã hội mất ổn định vì lạm phát trong lịch sử loài người. Và sau khi phá giá tiền đồng, dự đoán lạm phát sẽ leo thang ở Việt Nam rất có cơ sở.
Tiền đồng đi về đâu? Với lạm phát là không tránh được ở một tương lai không xa, tương tác cung cầu trên thị trường - cụ thể là giá chợ đen ngày càng cao - sẽ đưa giá trị tiền đồng đi xuống. Và hy vọng, có xuống nhưng không đến đáy vực của sự phá sản khiến kinh tế Việt Nam là kinh tế “đô la hóa”. Hoặc là “Nguyên hóa”, Nguyên là tên gọi tiền TQ, tưởng không cần nhắc.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.