Đây là một vinh dự cho tôi, qua blog này, đến với độc giả VOA. Thú thật, ban đầu tôi rất ngần ngại: dẫu có hơn ba mươi năm giảng dậy và nghiên cứu trong ngành Kinh Tế học, tôi thiên về chuyện “hàn lâm’’, chắc gì có khả năng “làm báo’’, nghĩa là khả năng dung hợp và giản hóa những khái niệm cơ bản để bạn đọc nắm bắt được một cách tương đối chính xác những vấn đề chúng ta đề cập. Và thời gian? Liệu tôi có đủ thời gian để “đến hẹn lại lên’’, giao lưu cùng các bạn mỗi tuần, với những bài viết có chất, có lượng?
Tham khảo một số đồng nghiệp và bạn bè, họ đều nhấn mạnh, trong thời gian trước Đại Hội 11 của Đảng Cộng Sản Việt Nam, hẳn đất nước có những vấn đề, thậm chí vấn nạn, rất “nóng’’, cần trình bày, mổ xẻ, phân tích rành rọt. Động cơ khiến tôi, một kẻ xa đất nước gần 50 năm, chấp nhận công việc nói trên rất đơn giản. Mượn lời cụ Nguyễn Trãi thuở cuối đời, tôi xin chỉ chép:
Bui một tấm lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng
mong nói lên tấm lòng một kẻ hậu sinh chưa tròn bổn phận.
Liên hệ với Ban Biên Tập (BBT) VOA blog, như điều kiện cần cho một sự hợp tác, tôi xin xác minh tính cách độc lập của một blogger, nghĩa là blogger nói tiếng nói của mình với những tiêu chí riêng, không đại diện bất cứ chính quyền nào, phe nhóm chính trị nào, áp lực nào. Và sau những trao đổi với BBT, nay tôi xin trình bày với các bạn cách tôi nhìn blog Kinh Tế tôi đảm trách.
Trước hết, xin thưa ngay kinh tế là chị em song sinh với chính trị. Hệ chính trị - kinh tế thoát thai từ văn hóa một cộng đồng những con người chung một lịch sử cấu thành từ những yếu tố nhân chủng, địa lý… chúng ta quen gọi gọn là truyền thống văn hóa của một dân tộc. Chính trị - tức hệ quyền lực - bao gồm cấu trúc “công’’ một xã hội và chức năng điều hành cấu trúc này. Kinh tế nhắm một đối tượng tuy hạn hẹp hơn những lại vô cùng quan trọng. Đó là hạ tầng cơ sở vật chất nhằm trả lời những câu hỏi cơ bản: xã hội sản xuất-tiêu thụ gì và thế nào, để phục vụ cho ai, với một tầm nhìn xa vào tương lai chứ không chỉ đóng khung ở thì hiện tại. Tiêu chuẩn đầu: sản xuất và tiêu thụ đáp ứng nguyên tắc tối ưu (Pareto). Còn phục vụ cho ai? Dĩ nhiên, phục vụ “nhân dân’’. Nhưng hẳn không đơn giản khi chúng ta hỏi “thế nhân dân là những ai?’’ Khi bà chị chính trị “kẹt’’, thường đẩy cho cô em kinh tế đi trước, cho phép thử nghiệm này nọ, chắc ăn rồi thì mới đăng đàn tuyên bố những biện pháp làm dân giàu nước mạnh. Vì thế, chính trị và kinh tế dính chùm. Nhưng dẫu khó tách bạch, tôi vẫn cố thảo luận với bạn đọc trong cái khung Kinh Tế. Tôi sẽ không theo không chống những chủ nghĩa "dao to búa lớn", không đưa đầu nhận đội những cái mũ kiểu "diễn biến hòa bình", "âm mưu lật đổ", và hết sức tránh "bôi đen tô hồng" đủ kiểu, một thói quen đã bám vào không ít cách suy nghĩ thời thượng. Thiển nghĩ, động cơ của tiến bộ, là Sự Thật, viết hoa. Nó phải được những sự kiện làm rường cột hầu minh chứng, suy giải, và đặt những bước đầu để cần thì thay đổi những hiện thực èo uột. Sự kiện thường được mô tả bằng những con số thống kê. Đây là phần định lượng, với tính chính xác tương đối, sẽ là một mặt hỗ trợ cho phần định tính. Phần này, trực tiếp liên quan đến cơ cấu - cấu trúc một nền kinh tế; và chắc hẳn đằng sau là một hệ giá trị tư tưởng. Ví von dễ hiểu, sự kiện định lượng trong việc xây dựng một căn hộ là, chẳng hạn, bao nhiêu kèo cột, xi măng, đá lát… Cấu trúc, nhà mấy tầng, bao nhiêu phòng, phòng khách ở tầng 1 hay 2…Còn phần giá trị tư tưởng thì căn nhà đó nhằm mục đích phục vụ gì, cho những ai, mỹ thuật kiến trúc thế nào…
Tiêu chí của tôi trong blog này là Sự Thật như vừa đề cập. Sự kiện, tôi sẽ lọc lựa từ thông tin quốc tế và từ báo chí Việt Nam. Các bạn thừa biết, báo chí ở Việt Nam có “lề phải’’, có (chút ít) “lề trái’’, nên lọc lựa khá khó khăn, và tránh được cạm bẫy tô hồng bôi đen chẳng dễ dàng. Về phần cơ cấu-cấu trúc, tôi sẽ nhấn mạnh tính hiệu quả kinh tế như quan điểm chủ đạo, đồng thời lưu tâm đến vấn đề dân sinh. Nói cho cùng, kinh tế là nhằm nâng cao dân sinh, đâu thể khác được.
Ngôi nhà Việt Nam nằm trong "làng" toàn cầu. Kinh tế thế giới là Kinh Tế Thị Trường Tư Bản Chủ Nghĩa có điều tiết của Nhà Nước khi cần thiết, dựa trên hệ tư tưởng hiện đang độc tôn là chủ nghĩa Tân Tự Do (có mức độ). Ngay cả với những nền kinh tế thị trường người ta đèo cái đuôi có "định hướng xã hội chủ nghĩa", lợi nhuận là động cơ chính. Nhận định nền kinh tế Việt Nam hẳn phải đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nay đang có những thay đổi không nhỏ. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 hiện còn đang có những hậu quả kinh tế ở mọi nơi, từ Bắc Mỹ qua Âu châu, Á Châu và châu Mỹ Latinh. Hiện thời, những quốc gia đang lên (BRIC) đã củng cố chỗ đứng, và vai trò của Trung Quốc như nền kinh tế với tổng sản lượng đứng thứ nhì trên thế giới càng ngày càng gia tăng.
Việt Nam là nước đang phát triển, nằm ở một địa hình chính trị rất "nhậy cảm", theo một thể chế chính trị - kinh tế khá đặc thù, và phải đương đầu với những vấn đề vô cùng phức tạp. Rời bỏ quan niệm kinh tế kế hoạch tập trung vào những năm cuối thập niên 80, Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới đã thoát được tệ bao cấp và đạt được nhiều thành quả đáng kể. Tuy nhiên, năm bẩy năm trở lại đây, báo chí truyền thông đã phát hiện ra không ít bất cập cần tranh cãi mổ xẻ. Phản biện hiện là một phong trào trong giới trí thức, chuyên gia trong cũng như ngoài nước trên những vấn đề trọng yếu. Theo thiển ý, phản biện và tranh cãi với tinh thần khách quan là động lực để kiện toàn xã hội với mục đích hướng hiện thực đến một tương lai tốt đẹp. Tuyên truyền lừa mị sẽ không đi đến đâu, như lịch sử đã minh chứng. Nói thật, với tình yêu đất nước, lòng công chính, và tính khách quan hẳn là những yếu tố cần để tiếp tục bước những bước tương lai.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.