Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic nói nước ông không thể và sẽ không đóng cửa biên giới, nhưng sẽ hướng người di dân sang Hungary.
Ông Milanovic cho biết Croatia sẽ ngưng đăng ký hàng ngàn người di dân đang đổ vào nước này, sau khi hơn 11.000 người vượt biên vào lãnh thổ Croatia trong tuần này.
Croatia phong tỏa 7 trong 8 cửa khẩu biên giới với Serbia tối thứ Năm, khi số người di dân băng biên giới vào nước này tăng vọt sau khi bị Hungary xua đi nơi khác.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Croatia hôm thứ Sáu, ông Milanovic nói Croatia là một nước nhỏ và mặc dù người di dân được hoan nghênh khi đi ngang qua lãnh thổ của họ, Croatia không thể cho tất cả tạm trú. Ông cho biết những người di dân sẽ được tiếp tế lương thực, nước uống và chăm sóc y tế, song họ phải tiếp tục cuộc hành trình.
Ông Milanovic hứa ông sẽ không điều động binh sĩ tới biên giới và mô tả biện pháp này là ‘vi hiến và bất khả thi’.
Một người phát ngôn của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu nói rằng Liên hiệp Âu châu cần hành động tập thể để đối đầu với cuộc khủng hoảng tị nạn và di dân.
Ông Barbar Baloch nói: “Chúng tôi đã đáp ứng các trường hợp khẩn cấp nội trong vài giờ. Nội trong 3 ngày, chúng tôi có thể thiết đặt các cơ chế để đón người tị nạn, đăng ký tới 5.500.000 người hoặc 750.000 người. Chúng tôi có thể dọn trống các kho chứa ở Dubai, Copenhagen và những nơi khác. Chúng tôi biết cách làm công việc của mình, nhưng trách nhiệm đạo đức và pháp lý ở đây là thuộc các nước trong Liên hiệp Âu châu. Điều thiếu vắng ở đây là hành động tập thể của Liên hiệp Âu châu. Các nước đã phải xử lý vấn đề này một mình, rồi đến lúc nào đó, họ nói họ không kham nổi nữa. Họ cần phải hành động cùng với nhau”.
Cũng trong ngày thứ Sáu, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói nếu một số nước EU tiếp tục tỏ thái độ miễn cưỡng, không chấp nhận một hệ thống chỉ tiêu để nhận người tị nạn, những nước này có thể bị biểu quyết của đa số áp đảo.
Ông Steinmeier nói với một tờ báo Đức rằng Âu châu phải xét tới việc sử dụng biện pháp “biểu quyết theo đa số” trong một phiên họp quy tụ các ngoại trưởng EU vào tuần tới để thảo luận tình hình người tị nạn. Thông thường, khối EU gồm 28 nước thành viên thường tìm cách đạt đồng thuận về các vấn đề quan trọng.