Ở Đài Loan, những người mong mỏi thoát khỏi sự nghèo nàn vào những năm 1960 là những người đã lập ra nhiều công ty hàng đầu hiện nay, tạo dựng nên một nền kinh tế 500 tỉ đô la cùng với một xã hội thịnh vượng. Tuy nhiên, những người già đang thúc giục thế hệ tương lai giữ an toàn bằng cách né tránh rủi ro, một mối nguy đối với sự cải tiến năng nổ mà các giới chức nói Đài Loan cần có để duy trì tính cạnh tranh. Thông tín viên Ralph Jennings của VOA ghi nhận từ Đài Bắc về quá khứ, hiện tại và tương lai của đất nước này.
Vào giữa tháng 10, nhà thương thuyết số 2 của Đài Loan trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc cảnh báo rằng Đài Loan thiếu sự năng nổ và một tinh thần kinh doanh. Ông cảnh cáo về mối nguy của việc trở thành một “con cừu” trước một Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng – một kình địch về chính trị và quân sự của Đài Loan trong suốt 65 năm. Chỉ trích xã hội ít khi được nghe thấy từ một quan chức chính phủ này nêu bật sự nhận thức đang tăng cao ở Đài Loan về việc thanh niên ngày nay thích chọn những việc làm an toàn hơn, thay vì thực hiện những kế hoạch kinh doanh đầy rủi ro của những người đi trước và của những người Trung Hoa lục địa hiện đại.
Sự ưu ái các công việc an toàn đe dọa sự cải tiến và việc lập ra những doanh nghiệp mới, một việc mà các giới chức nói là vô cùng quan trọng đối với tương lai của Đài Loan – một nước xuất khẩu hàng hóa từ đồ nhựa cho đến các mặt hàng điện tử.
Ông Dương Liên Phúc, một nhà xuất bản sách về lịch sử Đài Loan, nói các bậc cha mẹ ở Đài Loan hướng con cái trưởng thành của họ tìm kiếm những công việc và trường học an toàn và ít truyền cảm hứng cho chúng.
Ông nói những người Đài Loan trẻ tuổi quan tâm nhiều nhất về chất lượng cuộc sống. Ông nói thêm rằng điều này có liên quan tới lịch sử và những cha mẹ hiện đại muốn con cái họ có cuộc sống an toàn sau khi hoàn thành việc học tập. Ông Dương gọi hệ thống giáo dục của Đài Loan là yên bình và nói rằng chừng nào các sinh viên học tập chăm chỉ thì sẽ không có mấy áp lực.
Khi Đài Loan còn nghèo, phụ thuộc vào trồng trọt và đánh bắt cá cho tới khi phát triển công nghiệp vào những năm 1960, những người có sự nhạy bén kinh doanh sẽ thành đạt bằng cách lập ra các công ty. Xu thế này làm nổi lên các công ty như Evergreen Marine, tập đoàn vận tải container bằng tàu biển lớn thứ 4 thế giới, và Vương Vĩnh Khánh, tỷ phú sáng lập tập đoàn hóa dầu Formosa Plastics Group.
Những người già giờ đây hy vọng con cái họ có thể tránh khỏi nghèo khổ cũng như những rủi ro của việc lập công ty mới; nhưng các giới chức muốn người Đài Loan tiếp tục sáng chế và đầu tư để quốc đảo này giữ vị thế cạnh tranh với các khu vực thay đổi nhanh chóng và dựa vào xuất khẩu như Trung Quốc, Nam Triều Tiên và Đông Nam Á.
Những người trẻ tuổi ở Trung Quốc được cha mẹ họ và nhà trường thúc giục nhiều hơn để cạnh tranh và đóng góp vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này. Ông Phù Minh Tài, một chuyên gia kinh tế của ngân hàng Standard Chartered ở Đài Bắc, nói người Đài Loan hiện nay đang có nguy cơ bị Trung Quốc qua mặt. Trung Quốc đã trở thành cơ sở sản xuất rẻ hơn và là một thị trường tiêu dùng lớn hơn cũng như là một đối thủ chính trị luôn cho rằng họ có chủ quyền đối với Đài Loan:
"Người Trung Hoa lục địa đang bắt kịp rất nhanh. Họ cũng đang trở nên ngày càng cạnh tranh hơn không chỉ trong khía cạnh công nghệ mà còn trong cả khía cạnh tài năng. Người Trung Quốc đã có được một sự tiến bộ nào đó bằng cách thu hút nhân tài từ nước ngoài vào Trung Hoa lục địa và cùng lúc họ cũng đã có được công nghệ của Đài Loan thông qua các vụ mua lại công ty ở nước ngoài."
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy tỉ lệ xuất khẩu công nghệ cao của Trung Quốc đã tăng từ 5 đến 26% của kim ngạch xuất khẩu kể từ những năm 1990. Ở Đài Loan, số lượng người lần đầu dự thi để làm công chức đã tăng gần gấp đôi từ năm 2002 đến 2012, lên tới mức 800.000 người mỗi năm.
Khoảng một nửa phần trăm trong số những người thi công chức lần đầu tiên được tuyển dụng năm 2013.
Những người Đài Loan trẻ tuổi và cha mẹ của họ coi công việc làm cho chính phủ là trong số những công việc ổn định nhất ở quốc đảo này.
Nỗi lo sợ rủi ro cũng hiện rõ trong công nghiệp kỹ thuật cao có tiếng của Đài Loan, nơi mà nguồn cung của các khoản tiền đầu tư mạo hiểm đã vượt quá nhu cầu. Ông Dương Trung Kiệt, phó giám đốc Viện Tình Báo và Cố Vấn Thị Trường do chính phủ hậu thuẫn ở Đài Bắc, nói những người trẻ tuổi sợ cái giá của việc khởi sự kinh doanh.
Ông Dương nói những người trẻ tuổi Đài Loan không tệ về cải tiến, nhưng ở mức độ doanh nghiệp, có ít người trẻ tuổi muốn tự đứng ra thành lập công ty, do những rủi ro mà họ có thể gặp phải, và vì vậy, hầu hết mọi người tất nhiên là muốn vào những công ty IT lớn để làm việc. Ông Dương trước tiên gọi điều này là vấn đề văn hóa và nói rằng mọi người còn bảo thủ. Ông nói thành lập một công ty có thể mất nhiều năm và bạn sẽ không biết trong thời gian đầu sẽ mất bao lâu để kiếm được tiền, do đó nó là một rủi ro lớn.
Công ty tư vấn của ông Dương phát giác là những nhà sáng chế công nghệ cao của Đài Loan có xu hướng kinh doanh hơn khi việc sử dụng internet phát triển trên toàn cầu vào năm 2000, nhưng họ lại thấy một sự thụt lùi khi cuộc cạnh tranh công nghiệp tăng cao. Ngày nay, khi Đài Loan tìm cách lấy lại sức mạnh đó, 3 khu công nghệ cao của nhà nước cùng với 2 công ty tư nhân đã tăng cường đào tạo và cung cấp tài chính để giúp các doanh nghiệp mới có thể kiếm ra tiền.